Phông chữ

Những khoản nợ khổng lồ, vốn bấy lâu nay bị che giấu nhằm mục đích chính trị giờ đây bị phơi bày ở một loạt quốc gia thuộc Eurozone, đang khiến các nước này lâm vào cuộc khủng hoảng niềm tin - điều còn đáng sợ hơn cả một cuộc khủng hoảng kinh tế.

Do khủng hoảng nợ công, khó khăn kinh tế nên phải thắt chặt chi tiêu, dẫn đến bất ổn xã hội, khủng hoảng niềm tin và tiếp theo đó là sự đổ vỡ của chính phủ, tiến trình này đang diễn ra ở châu Âu với sự đổi ngôi bất ngờ chỉ trong thời gian ngắn trên chính trường các nước như Bồ Đào Nha, Italy, Ireland, Hy Lạp và Tây Ban Nha.

Cuộc bầu cử lập pháp ở Tây Ban Nha đã kết thúc ngày 20-11 với thắng lợi tuyệt đối của Đảng Nhân dân Tây Ban Nha (PP) trước đối thủ là Đảng Xã hội (PS) cầm quyền của Thủ tướng Jose Luis Zapatero. PP, với thủ lĩnh Mariano Rajoy, đã giành được 186 trên tổng cộng 350 ghế ở Hạ viện và 136 trên 208 ghế Thượng viện, đủ đa số tuyệt đối để tự mình thành lập chính phủ. Nhận định như tờ báo chính thống số 1 của Tây Ban Nha là El Pais thì “các cử tri Tây Ban Nha đã quyết định trừng phạt Đảng Xã hội vì khủng hoảng kinh tế.”

Còn ở Italy, Thủ tướng nhiều tai tiếng Silvio Berlusconi cuối cùng cũng chấp nhận nhường ghế cho chuyên gia kinh tế Mario Monti. Tại Hy Lạp, món nợ chiếm tới 142,8% GDP và tỷ lệ thất nghiệp 18,4% là lý do cho sự từ chức của Thủ tướng George Papandreou trong tình thế không có lựa chọn nào hơn, thay thế ông là tân Thủ tướng Lucas Papademos. Trước đó, vào tháng 3-2011, sau làn sóng phản đối kế hoạch khắc khổ mà chính phủ đưa ra để nhận khoản cứu trợ 78 tỷ euro, Bồ Đào Nha cũng chính thức thay đổi đảng cầm quyền khi Thủ tướng đảng Xã hội Jose Socrates ra đi để nhường ghế cho một đối thủ cánh hữu. Tại Ireland cũng vậy, lãnh đạo đảng Cộng hòa Fianna Fail cũng buộc phải nhường quyền lực cho liên minh giữa các đối thủ trung hữu Fine Gael và Công đảng.

Truy tìm căn nguyên của khủng hoảng nợ, báo chí châu Âu cho rằng xuất phát của thảm kịch là do những khoản nợ thực trong thời gian dài đã được “nói nhẹ” một cách khéo léo để một số quốc gia đạt được chuẩn ngân sách theo hiệp ước Maastricht và gia nhập Eurozone từ cách đây tới cả thập kỷ. Tuy nhiên, chính việc cố gắng kết nạp bằng được thành viên lại khiến cho Eurozone bị yếu đi ngay từ khi ra đời, bởi các hồ sơ kết nạp được cung cấp những con số ảo. Hậu quả là các thành viên của khu vực này không thể xác định đúng thực chất mức độ nghiêm trọng của khủng hoảng, tới lúc bị vỡ lở thì đã quá muộn.

Trong các biện pháp ngăn chặn khủng hoảng, đặc biệt là khủng hoảng lòng tin, người ta cần sự trấn an càng sớm càng tốt. Tại các nước phát lộ khủng hoảng, biện pháp trấn an chính là thay đổi chính phủ đương nhiệm. Người dân những nước châu Âu trong khủng hoảng đã lựa chọn người đứng đầu khác cho chính phủ với kỳ vọng chính khách này sẽ là người đưa đất nước khỏi suy thoái và nợ nần. Đây chính là cơ hội thuận lợi cho các đảng phái đối lập lên nắm chính quyền. Tuy nhiên, ngay những người được lựa chọn thay thế cũng phải thú nhận những khó khăn không dễ vượt qua và cá nhân họ không thể đem lại một “phép màu” cải biến tình hình, mà cần một nỗ lực tập thể.

Ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức ngày 11-11, tân Thủ tướng Hy Lạp Lucas Papademos tuyên bố chính phủ đoàn kết dân tộc mới sẽ nỗ lực hết sức để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính đang đẩy nước này tới bờ vực sụp đổ. Ông Papademos khẳng định: "Với sự đoàn kết toàn dân, Hy Lạp sẽ thành công." Còn tân Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy Brey nói ông cam kết sẽ làm việc "vì tất cả" người dân Tây Ban Nha, song cảnh báo sẽ "không có phép màu" trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay. Tuyên bố đầu tiên của tân Thủ tướng Italy Maria Monti cũng là nước này chỉ có thể "chiến thắng khủng hoảng nợ bằng những nỗ lực tập thể". Bằng tuyên bố đó, ông Mario đã kéo người dân Italy trở lại với một thực tế rằng chỉ riêng việc thay đổi Thủ tướng thôi thì chưa thể đủ để có thể thay đổi nền kinh tế trong cơn nguy kịch của Italy.

Có điểm chung của những người đứng đầu chính phủ được giao trách nhiệm tháo gỡ khủng hoảng nợ, họ đều là những nhà kinh tế có bề dày kinh nghiệm. Song truyền thông châu Âu lại đưa ra nghi vấn liệu họ có thể đưa đất nước ra khỏi vòng xoáy của một cuộc khủng hoảng kép hiện nay, khi nó đã đi từ khủng hoảng kinh tế đến khủng hoảng chính trị. Với những con số buồn thảm về nền kinh tế được công bố, lòng tin của người dân vào chính phủ đương nhiệm bị xói mòn – nguyên nhân của những cuộc xuống đường và sức ép đòi người chịu trách nhiệm từ chức. Châu Âu đành bằng lòng với một biện pháp tình thế là thay đổi các chính phủ bị phản đối. Song vấn đề của nền kinh tế suy thoái vẫn còn nguyên và việc tìm kiếm một người đứng đầu mới phải chăng chỉ là biện pháp tình thế của các nước Eurozone.

Trong số các nước Eurozone cho đến nay đã bị cuốn vào vòng xoáy nợ công, đáng lo ngại nhất là Italy - nền kinh tế lớn thứ 3 trong Eurozone nhưng lại đang cõng trên lưng khoản nợ công 1.900 tỷ euro, gấp bốn lần Quỹ Bình ổn tài chính Châu Âu (EFSF) và tương đương 120% GDP của nước này. Trung bình mỗi năm Italy phải trả 75 tỷ euro tiền lãi cho các chủ nợ và phải đi vay tín dụng với lãi suất cao.

Theo nhận định của The Economist (Anh), trong bối cảnh kinh tế Eurozone có nguy cơ tái suy thoái, cơ chế cứu trợ của khu vực vẫn lộn xộn thì cơ hội để thực hiện thành công việc cứu Italy là rất ít.

Nhà kinh tế học Paul Krugman so sánh cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu là một vòng luẩn quẩn: Lo sợ vỡ nợ - Buộc phải nâng mức lãi suất bảo đảm của các khoản nợ - Khả năng vỡ nợ lại càng tăng thêm. Vòng luẩn quẩn này gieo nỗi lo sợ khắp châu Âu mà để trấn an nó, chỉ có thể lập những quỹ cứu trợ cần thiết và quy mô với giá trị có thể lên đến hàng nghìn tỉ euro để có thể cho các nước khủng hoảng vay những khoản vay có mức lãi suất thấp hơn.

Tuy nhiên, để thành lập một quỹ có quy mô lớn như vậy đòi hỏi sự ủng hộ của các thành viên Eurozone, trong khi chính các nền kinh tế này cũng đang lao đao do thâm hụt ngân sách và chính họ cũng đang lo lắng về khoản nợ quốc gia.

22-11, nhận xét về tình hình kinh tế hiện nay ở châu Âu, Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề kinh tế và tiền tệ Olli Rehn cảnh báo, không nên ảo tưởng về triển vọng kinh tế châu Âu khi thừa nhận cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay đang lan tới trung tâm Eurozone, không loại trừ tới đây sẽ lộ diện ở ngay tại các nền kinh tế đầu tàu EU như Pháp và Đức.

Cũng cách đây không lâu, sự bất đồng giữa các nước trong EU về cách thức đối phó với nạn nhập cư đã gây nhiều rạn nứt cho nỗ lực của EU trong việc xây dựng các thiết chế về nhất thể hóa của Liên minh. Giờ đây, khủng hoảng nợ công và hậu quả của nó lên kinh tế của Eurozone lại tiếp tục một lần nữa thách thức sự đồng thuận trong EU.

  • MINH CHÂU, NhanDan