Phông chữ

Một vệ tinh lớn thứ 2 trong vòng 2 tháng qua đã trở lại bầu khí quyển của trái đất - lần này là vệ tinh quan sát thiên văn ROSAT của Đức, nặng 2,4 tấn.

Cũng giống như vệ tinh UARS của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), vốn rơi xuống trái đất hồi tháng 9, không ai có thể nói chính xác khi nào va chạm của nó với trái đất xảy ra.

ROSAT sẽ bốc cháy khi đi vào tầng khí quyển của trái đất. Nhưng điều khiến sự trở về của ROSAT làm các chuyên gia quan tâm là nhiều mảnh vỡ lần này nhiều khả năng sẽ “sống sót” trên đường trở lại về mặt trái đất.

Các chuyên gia dự đoán rằng có thể có tới 1,6 tấn mảnh vỡ - hơn 1/2 tổng trọng lượng của vệ tinh - có thể vượt qua lực phá của chuyến trở lại và đâm vào trái đất. Hiện chưa rõ liệu mảnh vỡ nào đã rơi xuống bề mặt trái đất hay chưa.

Trong trường hợp vệ tinh UARS của NASA, các mảnh vỡ có thể rơi xuống trái đất chỉ khoảng nửa tấn trong tổng trọng lượng hơn 6 tấn của vệ tinh. Sự khác nhau này là do vệ tinh ROSAT có chứa một số hợp chất cứng hơn.

ROSAT là một vệ tinh quan sát thiên văn và có một hệ thống gương được làm bằng chất liệu carbon composite. Bộ phận tương này và cấu trúc hỗ trợ của nó được dự đoán sẽ là mảnh vỡ riêng lẻ lớn nhất trong số khoảng 30 mảnh vỡ sẽ rơi xuống trái đất.

Nhưng cũng giống UARS, bất kỳ mảnh vỡ nào của ROSA cũng được dự đoán là nhiều khả năng sẽ rơi xuống biển, vì hầu hết bề mặt trái đất là nước biển.

ROSAT được phóng lên quỹ đạo Trái đất vào tháng 6/1990 để nghiên cứu tia X vũ trụ. Vệ tinh này ngừng hoạt động vào tháng 2/1999 và đã trôi lơ lửng kể từ đó.

  • Ninh Nhi, Theo Dantri, BBC