Phông chữ

Ngày 18/10, Liên minh châu Âu (EU) đã ra lệnh cấm hoạt động hoán đổi vỡ nợ tín dụng CDS "khống" - một công cụ tài chính gây nhiều tranh cãi được các nhà đầu tư sử dụng để đánh cược vào khả năng một chính phủ hay một công ty, ngân hàng nào đó không trả được nợ của họ.

Chính phủ và quốc hội các nước EU đã đạt được thỏa thuận trên sau một thời gian dài đàm phán về việc cấm công cụ có tính đầu cơ cao này, một hoạt động đầu tư bị coi là một phần nguyên nhân làm cho cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu thêm trầm trọng.

CDS là một công cụ bảo đảm đối với nguy cơ vỡ nợ của một công ty hay một chính phủ. CDS "khống" là khi nhà đầu tư không hề có món nợ nào, song họ bảo đảm là sẽ mua lại nợ với một mức giá rẻ hơn nếu việc vỡ nợ xảy ra. Các nhà chỉ trích hoạt động đầu cơ này nói rằng CDS "khống" cho phép các thị trường đầu cơ vào các khả năng vỡ nợ của chính phủ - một kiểu đầu cơ mà Hy Lạp đã phải vất vả chống đỡ kể từ tháng 5/2010 - đang gây sức ép ngày càng tăng lên nhiều nước.

Ông Pascal Canfin, thành viên của Quốc hội châu Âu, cho rằng "Quốc hội châu Âu đã phải rất khó khăn để chấm dứt việc đầu cơ trên các khoản nợ công của các nước châu Âu. Việc cấm hoạt động hoán đổi vỡ nợ tín dụng "khống" (CDS "khống") là một thắng lợi quan trọng và thỏa thuận đạt được này của EU sẽ khiến các quỹ đầu cơ rủi ro không thể mua được các CDS của Hy Lạp hay của Italy mà không có sẵn các trái phiếu của các nước đó, nhằm phục vụ cho mục đích duy nhất là đầu cơ trên sự vỡ nợ của một quốc gia".

Trước đó, vào tháng 9/2010, theo yêu cầu của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel, Ủy ban châu Âu (EC) đã đưa ra các quy định mới nhằm kiểm soát tốt hơn hoạt động CDS. Và vào tháng 7 năm nay, Quốc hội châu Âu đã bỏ phiếu về việc cấm CDS "khống" song một số nước, trong đó có Italy, đã phản đối, do lo ngại sẽ làm tăng giá trái phiếu của họ và khó khăn hơn khi đi vay mượn.

Thỏa thuận trên cho phép một quốc gia không áp dụng quy định này trong một giai đoạn nhất định và Cơ quan quản lý thị trường và chứng khoán châu Âu (ESMA) sẽ là đơn vị thông báo về những quyết định như vậy nếu đó là những quyết định hợp lý.

Thỏa thuận cũng bao gồm cả những hạn chế về việc bán khống, và yêu cầu các nhà đầu tư phải thông báo với các nhà điều hành thị trường về tình trạng bán khống đối với các cổ phiếu của công ty hoặc các trái phiếu của chính phủ. Cơ quan ESMA sẽ có quyền tạm thời hạn chế việc bán khống trong một số trường hợp ngoại lệ nào đó, chẳng hạn khi thị trường đang sụt giảm mạnh.

Cùng ngày 18/10, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố, cuộc họp thượng đỉnh EU vào cuối tuần này (23/10) tại Brussel (Bỉ) sẽ là một bước đi hết sức quan trọng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công của khu vực Eurozone.

Tuy nhiên, bà Merkel cũng nhấn mạnh EU cần có nhiều bước đi quan trọng tiếp theo, bởi theo bà "cuộc khủng hoảng nợ này đã tích tụ từ nhiều năm nay nên nó không thể được giải quyết chỉ trong một cuộc họp thượng đỉnh, mà cần phải mất rất nhiều thời gian và nỗ lực trong dài hạn". Bà tiết lộ, tại cuộc họp vào ngày 23/10 tới đây, các lãnh đạo châu Âu sẽ có những quyết định quan trọng và thích hợp để mở đường cho nhiều quyết định lớn khác về sau./.

  • Thùy Chi (TTXVN/Vietnam+)