Phông chữ

Bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) họp tại Paris (Pháp) trong hai ngày 14 và 15/10 đã thừa nhận kinh tế toàn cầu đang đối diện với những căng thẳng và nguy cơ tụt giảm ngày càng lớn.

Trong thông cáo báo chí đưa ra sau hội nghị, các nhà lãnh đạo tài chính G20 cùng nhất trí một số điểm như Cam kết đảm bảo các ngân hàng được cấp vốn thích đáng để đối phó với các nguy cơ hiện tại; Hoan nghênh biện pháp của châu Âu mở rộng quy mô và tăng tính linh hoạt của Quỹ khẩn cấp cứu trợ khủng hoảng của Khu vực đồng euro (Eurozone); Xúc tiến mở rộng tối đa ảnh hưởng của Quỹ khẩn cấp nói trên, hy vọng EU đưa ra một kế hoạch toàn diện vào ngày 23/10 tới (thời điểm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh EU) nhằm giải quyết dứt khoát những thách thức hiện nay.

Bên cạnh đó, G20 cũng tái khẳng định rằng sự biến động quá mức trong tỷ giá hối đoái đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với sự ổn định kinh tế và tài chính; Cam kết thực hiện ý tưởng rằng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phải có những nguồn lực thích đáng và trông đợi thảo luận về vấn đề này tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 vào tháng tới; Hy vọng các nền kinh tế phát triển áp dụng những biện pháp cụ thể để củng cố về tài chính; Hy vọng các nền kinh tế mới nổi điều chỉnh các chính sách kinh tế vĩ mô để duy trì đà tăng trưởng trước những nguy cơ suy thoái.

Các bộ trưởng tài chính G20 cũng gia tăng sức ép buộc châu Âu giải quyết dứt điểm cuộc khủng hoảng nợ công đang diễn ra ở Khu vực đồng euro có nguy cơ đẩy thế giới rơi vào thời kỳ khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế mới.

Lãnh đạo các nền kinh tế hàng đầu thế giới kêu gọi EU đưa ra một kế hoạch tổng thể giải quyết khủng hoảng trước khi khối này tiến hành Hội nghị thượng đỉnh vào ngày 23/10.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Francois Baroin, chủ trì cuộc họp tại Paris cho biết Đức và Pháp, hai nền kinh tế lớn nhất trong Eurozone đang thảo luận về một kế hoạch giảm nợ cho Hy Lạp nhằm ngăn chặn nguy nợ công tiếp tục lan sang các nước khác trong khu vực cũng như bảo vệ hệ thống ngân hàng châu Âu trước cuộc khủng hoảng nợ công.

Các bộ trưởng Tài chính Nhật Bản và Canada cùng cho rằng để có thể giải quyết được khủng hoảng, tránh đẩy thế giới trở lại thời kỳ suy thoái, châu Âu cần phải hành động tập thể và hội nghị thượng đỉnh EU sắp tới sẽ là cơ hội cuối cùng để các nhà lãnh đạo kinh tế châu Âu đưa ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ.

Bộ trưởng tài chính Brazil, ông Guido Mantega khẳng định thế giới đang chờ đợi giải pháp cho các vấn đề của châu Âu mà giờ đây đã biến thành vấn đề toàn cầu.

Ông nói: "Tôi là một người lạc quan và tôi tin rằng trên con đường giải quyết đang có những tiến bộ."

Trong khi đó, Đức đề nghị nâng cao vai trò của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong việc giải quyết khủng hoảng châu Âu.

Bộ trưởng Tài chính Wolfgang Schaeuble cũng nhấn mạnh rằng ưu tiên giải quyết các vấn đề nợ của Khu vực đồng euro phải được duy trì ở EU.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner cũng tỏ ý lạc quan khi cho rằng những bước đi mới nhất của EU cho một chiến lược tổng thể nhằm giải quyết khủng hoảng đang đi đúng hướng, đặc biệt kế hoạch cơ cấu lại hệ thống ngân hàng với sự trợ giúp của Đức và Pháp.

Tuy nhiên, đối tác Anh George Osborne cho rằng các đồng nghiệp của ông tại Eurozone rời Paris với tâm trạng lo âu khi sức ép đối với họ để đưa ra một giải pháp cho cuộc khủng hoảng là quá lớn.

Những nỗ lực của thế giới nhằm cứu cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu dường như chưa có hiệu quả. Ngoài con nợ Hy Lạp đang đứng trước nguy cơ sụp đổ, Tây Ban Nha vẫn đang là nỗi lo lớn của Eurozone khi nước này ngày 13/10 bị cơ quan xếp hạng tín dụng Standard & Poor’s hạ điểm mức tín nhiệm từ AA xuống AA- do mức tăng trưởng bấp bệnh, môi trường tài chính khó khăn...

Cơ quan này cảnh báo có thể tiếp tục hạ điểm của Tây Ban Nha nếu kinh tế nước này tiếp tục giảm sút trong năm 2012.

Một tuần trước, Fitch cũng đã hạ mức xếp hạng tín dụng đối với Tây Ban Nha vì cho rằng chính quyền Madrid khó có thể vực dậy nền kinh tế Tây Ban Nha một cách nhanh chóng.

Cũng tại hội nghị, đề cập đến những thách thức nền kinh tế thế giới, Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde ngày 15/10 cho rằng các nền kinh tế mới nổi, mà sự tăng trưởng của họ đã góp phần hỗ trợ đáng kể kinh thế thế giới trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vừa qua, đang bắt đầu bị tác động bởi chính sự yếu kém ở các nền kinh tế phát triển.

Phát biểu sau hội nghị, bà Lagarde nhấn mạnh các triển vọng của kinh tế thế giới đã xấu đi trong những tuần qua và sự yếu kém ở những nền kinh tế phát triển "đang bắt đầu tác động đến cả những nền kinh tế mới nổi."

Theo bà Lagarde, điều sống còn là IMF phải có những nguồn lực "đầy đủ để đáp ứng nhu cầu của các thành viên" trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng.

Bà cho biết tại hội nghị thượng đỉnh G20, dự kiến diễn ra vào ngày 3-4/11 tới tại Cannes - Pháp, IMF sẽ đệ trình một "đề xuất cụ thể" về "những công cụ phòng ngừa ngắn hạn và linh hoạt hơn nhằm giúp đỡ các nước có tình hình kinh tế tốt nhưng trở thành nạn nhân của khủng khoảng"./.

  • (TTXVN/Vietnam+)