Phông chữ

Việc Italia và Tây Ban Nha đồng loạt bị hạ bậc xếp hạng tín nhiệm hôm thứ 6 cho thấy tình hình đang ngày càng ảm đạm hơn.

2 nền kinh tế lớn nhất khu vực Eurozone bất đồng quan điểm ngay trước thềm cuộc hội đàm quan trọng vào ngày Chủ Nhật tới trong việc cứu trợ các ngân hàng châu Âu và chống lại nguy cơ lây lan khủng hoảng nợ công trong trường hợp Hy Lạp vỡ nợ.

Trong khi Paris muốn sử dụng quỹ cứu trợ 440 tỷ EUR để tái cơ cấu vốn các ngân hàng của mình vì các ngân hàng này nắm giữ nhiều nhất lượng trái phiếu nợ của các quốc gia Eurozone thì Berlin lại khẳng định quỹ cứu trợ chỉ nên sử dụng như phương án cuối cùng, khi tất cả các biện pháp khác đều không hiệu quả.

Tuy nhiên, dưới áp lực từ phía Mỹ và trong nội bộ khu vực đồng tiền chung Euro, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy có thể sẽ xem xét lại việc sử dụng quỹ cứu trợ tài chính nhằm đạt được những thỏa thuận cần thiết.

Sau cuộc gặp với Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, bà Merkel một lần nữa khẳng định rằng Quỹ ổn định tài chính châu Âu EFSF chỉ nên được sử dụng khi một quốc gia không thể tự đối phó với vấn đề.

Bà cũng cho rằng, những ngân hàng đang gặp vấn đề về vốn nên tìm kiếm nguồn vốn bổ sung trên thị trường trước khi cầu cứu chính phủ. Còn EFSF sẽ là phương án cứu trợ cuối cùng, đi kèm với những quy định nghiêm ngặt.

“Vấn đề này sẽ được tiếp tục thảo luận ở cuộc họp thượng đỉnh tiếp theo”, bà Merkel cho biết với ý nhắc đến phiên họp của các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu EU vào ngày 17 và 18/10 tới.

Hiện Pháp là nền kinh tế lớn thứ 2 nhưng cũng đồng thời là quốc gia có tỷ lệ nợ/GDP cao nhất trong số 6 quốc gia có xếp hạng tín dụng AAA trong khu vực đồng Eurozone, ở 86,2%.

Nếu Pháp, quốc gia bảo lãnh lớn thứ 2 của quỹ giải cứu Châu Âu, sau Đức bị hạ xếp hạng tín dụng thì toàn bộ những quốc gia hiện đang dựa vào quỹ hộ trợ tài chính này, bao gồm Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Ireland sẽ sụp đổ.

  • Đỗ Hà, DVT Theo Reuters