Phông chữ

Đa số thành viên Quốc hội Đức đã phê duyệt việc mở rộng quyền hạn cho quỹ giải cứu chính của EU.

Cuộc bỏ phiếu này được xem là một thử nghiệm về quyền lực của Thủ tướng Angela Merkel, khi một số trong liên minh của bà tuyên bố sẽ phản đối dự luật.

Nhiều người Đức đang phản đối việc cam kết nhiều tiền hơn để giúp các thành viên khu vực chung châu Âu đang gặp khó khăn như Hy Lạp.

Đã xảy ra các cuộc biểu tình ở Athens, nơi các thanh sát viên quốc tế dự kiến đàm phán về các quỹ giải cứu mạnh hơn.

Biện pháp này dự kiến sẽ được thông qua tại thượng viện Đức, nơi nó sẽ được bỏ phiếu vào ngày mai, 30/9.

523 đại biểu ở Bundestag đã thông qua dự luật, 85 bỏ phiếu chống và 3 bỏ phiếu trắng trong tổng số 620 đại biểu.

Kết quả bỏ phiếu không bị nghi ngờ bởi các đảng đối lập chính, đảng SPD và đảng Xanh, cho biết họ sẽ ủng hộ việc mở rộng quỹ.

Trước khi bỏ phiếu, đã có sự vận động hành lang mạnh mẽ từ đảng Dân chủ Thiên chúa giáo của bà Merkel (CDU) và các đồng minh trong liên minh của họ để gây áp lực số ít các nhà bất đồng chính kiến .

Hãng Reuters cho biết, 315 đại biểu liên minh đã bỏ phiếu ủng hộ, điều này có nghĩa là bà Merkel đã không cần dựa vào sự hỗ trợ đối lập.

Tất cả 17 quốc gia sử dụng đồng euro phải phê chuẩn cam kết mở rộng quyền hạn của EFSF và tăng mức đảm bảo cứu trợ tài chính lên 440 tỷ euro.

Cho đến nay, 10 nước đã thông qua biện pháp này.

Là nền kinh tế lớn nhất châu Âu, cam kết tài trợ của Đức sẽ tăng từ 123 tỷ euro lên 211 tỷ.

Nếu không có các khoản vay mới - được thực hiện theo các điều khoản của một gói cứu trợ đã được nhất trí vào năm ngoái - Hy Lạp sẽ sớm hết tiền.

Những khoản thuế mới đã được phê duyệt và việc cắt giảm chi tiêu sâu hơn đã được hứa hẹn, nhưng một số quyết định đã bị trì hoãn và việc tư nhân hóa đang tiến triển chậm.

Nhiều người tin rằng, các biện pháp thắt lưng buộc bụng đang đẩy nền kinh tế Hy Lạp sâu hơn vào suy thoái và bóp chết bất kỳ cơ hội tăng trưởng nào.

  • H.V Theo BBC, HNM