Phông chữ

Thị trấn Lindau của nước Đức là nơi gặp gỡ của mười bảy nhà khoa học kinh tế từng được giải thưởng Nobel. Ngoài ra còn có sự hiện diện của trên 300 nhà nghiên cứu trẻ được biết đến nhờ có những ý tưởng hay và mới. Đây là lần thứ tư sự kiện mang tính thường niên này được tổ chức, diễn ra từ ngày 23 tới 27 tháng 8 vừa qua.

Chưa khi nào dư luận thế giới lại quan tâm đến cuộc họp mặt ở Lindau như năm nay. Đông đảo phóng viên từ nhiều quốc gia trên thế giới đã có mặt để nghe xem giới tinh hoa trong ngành kinh tế học đề cập tới những biện pháp gì nhằm đưa thế giới ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay.

Lindau vẫn là nơi tụ hội của cả những nhà kinh tế tầm cỡ - nhiều người trong số họ đã thuộc diện ngoài thất tuần – với các lý thuyết ủng hộ khả năng tự điều chỉnh của thị trường tự do. Đôi lúc họ mới đề cập đến “thất bại của thuyết kinh tế vĩ mô” nhưng thường thì né tránh khái niệm “khủng hoảng tài chính”.

Joseph Stiglitz

Ở thái cực khác, Joseph Stiglitz, nhà kinh tế đoạt giải Nobel, vẫn tiếp tục có những phê phán dành cho những lý thuyết kinh tế về thị trường tự do mà ông cho là đã cổ hủ, với những nhận xét dí dỏm. “Có lẽ bàn tay vô hình của thị trường vô hình vì nó không hề có”. Theo Stiglitz thì cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới từng diễn ra trong bước giao thời từ nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế chủ yếu là công nghiệp. Ngày nay nền công nghiệp đang bị thay thế bới các ngành dịch vụ, điều đó dẫn đến cuộc khủng hoảng tiếp theo. Sự hòa mạng ngày càng tăng trên thế giới càng làm cho việc kiềm chế khủng hoảng khó khăn hơn. Chính vì thế Stiglitz yêu cầu phải có những biện pháp bảo vệ để ngăn chặn sự lây lan, thí dụ như cơ chế kiểm soát dòng chảy của vốn.

Sự tham gia của các nhà kinh tế trẻ

Một trong những khía cạnh gây cuốn hút cho sự kiện ở Lindau là những ý tưởng mới mẻ của các nhà nghiên cứu trẻ, và cả những người hiện còn đang là khán, thính giả ở Lindau. Họ là những người quyết định kinh tế học tới đây sẽ đi theo hướng nào.

Ba năm đã trôi qua kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính. Nhiều người trong số các nghiên cứu sinh tới Lindau lần này đã bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu của mình dưới tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế. Và điều này đã để lại dấu ấn trong các công trình nghiên cứu của họ.

Eduardo Davila, sinh viên người Tây Ban Nha tại Đại học Harvard nghiên cứu về quy mô của các ngân hàng và cho rằng Nhà nước không nên chỉ tập trung cứu giúp các ngân hàng lớn. “Nếu 10 ngân hàng nhỏ bị phá sản cùng một lúc thì tổn hại đối với nền kinh tế có thể cũng không hề ít hơn một khi phá sản một ngân hàng lớn”. Nghiên cứu Eduardo cũng cung cấp thêm một tin vui: chí ít thì phần lớn các ngân hàng nhỏ luôn dành ra một khoản dự phòng, vì các ngân hàng đó biết rằng họ không thể trông chờ gì nhiều vào sự giải cứu của Nhà nước.

Một số nhà kinh tế trẻ khác nghiên cứu về việc phải làm gì để Chính phủ thuộc các thể chế dân chủ không bị nợ hay làm sao để có thể dự báo các giai đoạn tăng trưởng tốt hơn.

Nhưng vấn đề tăng trưởng không phải là đề tài duy nhất được quan tâm. Các nhà kinh tế trẻ nghiên cứu cả về vai trò của hạnh phúc. Nghiên cứu của Alex Rees-Jones, đang học tại trường Cornell University cho thấy, con người phần đông không chọn loại công việc mang lại nhiều sự phấn khởi mà thiên về công việc mang lại nhiều tiền bạc.

  • Xuân Hoài lược dịch
    Theo Frankfurter Allgemeine, tiasang
    Zeitung, số ra tháng 8, 2011