Phông chữ

Giới chuyên môn đặc biệt quan tâm tới tuyên bố của cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Alan Greenspan và tỷ phú George Soros. Ông Alan Greenspan tuyên bố, Mỹ có thể trả bất cứ khoản nợ nào bởi có thể in tiền để làm điều đó.

Ngày 15/8, ông Olli Rehn, thành viên của Ủy ban tiền tệ Liên minh châu Âu cho biết, Pháp, Italia và Tây Ban Nha có thể tự bình ổn ngân sách và nền kinh tế. Ông Olli Rehn kỳ vọng, các nước khu vực Eurozone sẽ nhanh chóng nhất trí mở rộng phạm vi hoạt động của Quỹ bình ổn tài chính châu Âu vào tháng 9.

Tuyên bố của ông Olli Rehn được đưa ra sau khi 2 nền kinh tế lớn nhất khu vực Eurozone là Đức và Pháp phản đối việc sử dụng trái phiếu để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ hiện nay tại châu Âu.

Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schauble cho biết, Đức từ chối tham gia thể chế trái phiếu chung của Eurozone vì cho rằng mỗi quốc gia thành viên cần một lãi suất khác nhau, phù hợp với sự bền vững tài chính của họ.

Nhưng Bộ trưởng Tài chính Italia Giulio Tremonti lại cho rằng, việc thành lập thể chế trái phiếu chung của khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ giúp làm giảm chi phí đi vay của một số nền kinh tế đang khó khăn và đây là giải pháp tổng thể đối với cuộc khủng hoảng nợ khu vực Eurozone.

Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne cho biết, những quan điểm nay phải được xem xét nghiêm túc. Những mâu thuẫn kể trên sẽ được quyết định tại cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Angela Merkel và Tổng thống Nicholas Sarkozy hôm 16/8.

Giới chuyên môn cũng đặc biệt quan tâm tới tuyên bố của cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Alan Greenspan và tỷ phú George Soros. Ông Alan Greenspan tuyên bố, Mỹ có thể trả bất cứ khoản nợ nào bởi có thể in tiền để làm điều đó. Còn ông George Soros nhấn mạnh, Đức phải chấp thuận một chế độ trái phiếu chung cho toàn khu vực để cứu nền tài chính Eurozone, nếu không đồng Euro sẽ bị phá vỡ.

Tuyên bố kể trên được đưa ra đúng thời điểm Ủy ban chứng khoán và hối đoái Mỹ (SEC) tiến hành điều tra việc cơ quan xếp hạng tín dụng danh tiếng Standard & Poor's hạ mức xếp hạng tín dụng đối với nền kinh tế số một thế giới. SEC đang điều tra phương thức tính toán của Standard & Poor's, cũng như tin đồn nhân viên của hãng này biết trước về quyết định hạ mức xếp hạng tín dụng trước khi chính thức công bố.

Được biết, các công ty trong ngành công nghiệp Mỹ đang đối mặt với việc thu hẹp sản xuất, cắt giảm việc làm dù sự sụt giảm nhu cầu vẫn chưa rõ ràng. Việc làm trong lĩnh vực sản xuất tại Mỹ chỉ tăng rất khiêm tốn trong vài tháng gần đây sau khi giảm mạnh trong năm 2009. Nhật Bản và Thụy Sĩ tỏ ra lo ngại về sự tăng giá quá cao của đồng yên và franc, đồng thời sẵn sàng can thiệp nếu cần thiết.

Về phần mình, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN cũng dự báo, tốc độ tăng trưởng kinh tế của khu vực sẽ chậm lại trong năm nay do tác động của cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu và kế hoạch cắt giảm chi tiêu ở Mỹ.

  • Tân Hồng, CAND