Phông chữ

Bộ trưởng Kinh tế Đức Philipp Roesler ngày 9/8 kêu gọi thành lập hội đồng ổn định Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) để trừng phạt những nước thành viên vi phạm mức trần thâm hụt ngân sách và nợ nhà nước được quy định trong Hiệp ước Ổn định và Tăng trưởng của Liên minh châu Âu (EU) đối với khu vực này.

Theo ông Roesler, Eurozone cần một hiệp ước ổn định mới nhằm đảm bảo sự ổn định lâu dài cho đồng tiền chung châu Âu, bao gồm biện pháp kiềm chế nợ theo mô hình của Đức.

Ông cũng đề nghị các nước thành viên Eurozone thực hiện các trắc nghiệm về khả năng cạnh tranh như kiểm tra độ linh hoạt của các thị trường lao động. Ông Roesler cho biết sẽ đề xuất các ý tưởng này tại hội nghị bộ trưởng kinh tế và tài chính EU sắp tới.

Trong suốt thời gian qua, Đức luôn khẳng định lập trường rằng các nước thành viên khu vực có thể dựa vào tiền cứu trợ vỡ nợ chừng nào họ sẵn sàng thực hiện các cải cách nhằm thúc đẩy năng lực cạnh tranh và giảm thâm hụt ngân sách nhà nước.

Trên thực tế, khủng hoảng nợ đã buộc Đức phải hỗ trợ các nước gặp khó khăn tài chính nhiều hơn mức Berlin dự kiến.

Cùng ngày, giới chức Eurozone và Mỹ tiếp tục nỗ lực tìm giải pháp "hạ nhiệt" cơn sốt hoành hành trên thị trường cổ phiếu thế giới suốt hơn một tuần qua.

Trong cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi và Tổng thống Mỹ Barak Obama, hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh sự cần thiết phải giảm sát chặt chẽ các thị trường tài chính ở Mỹ và châu Âu.

Ông Berlusconi và ông Obama cũng chia sẻ những quan ngại chung trong việc giải quyết sự hỗn loạn trên thị trường cổ phiếu thế giới, đặc biệt sau khi Mỹ bị hạ cấp mức xếp hạng tín dụng.

Tổng thống Obama cho rằng, Italy đã đi đúng hướng khi lường trước một số biện pháp quan trọng trong kế hoạch siết chặt chi tiêu ngân sách nhằm bảo vệ nước này trước nguy cơ vỡ nợ công và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Về phần mình, Thủ tướng Berlusconi cho rằng, sự hỗn loạn về tài chính ở Italy không chỉ ảnh hưởng đến bản thân nước này mà tác động đến nền kinh tế toàn cầu, vì vậy đòi hỏi phải có hành động về chính trị và kinh tế ở cả hai bờ Đại Tây Dương.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Evangelos Venizelos hối thúc giới chức Eurozone thực hiện nhanh chóng và triệt để những quyết định đã được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh khu vực tháng Bảy vừa qua về gia tăng quyền hạn cho Cơ chế Ổn định Tài chính châu Âu (EFSF) và dành cho Hy Lạp gói cứu trợ vỡ nợ thứ hai.

Theo ông Venizelos, các quyết định này chứng tỏ các nước Eurozone có thể bảo vệ được đồng tiền chung của họ.

Cùng ngày, thị trường cổ phiếu châu Âu đã có dấu hiệu khởi sắc do thông tin về việc Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể áp dụng chính sách nới lỏng định lượng (QE) lần thứ ba đã trấn an các nhà đầu tư.

Chỉ số cổ phiếu Paris CAC 40 tăng 1,63% vào lúc đóng cửa phiên giao dịch, sau khi đã giảm 4,36% và phá ngưỡng 3.000 điểm.

Thị trường cổ phiếu London tăng 1,89%. Các thị trường Frankfurt và Madrid cũng đóng cửa bằng đèn đỏ với mức tăng lần lượt 0,1% và 0,36%.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định thị trường cổ phiếu châu Âu chưa ổn định do các nhà đầu vẫn chờ đợi thông báo chính thức của FED về triển vọng của nền kinh tế đầu tàu thế giới./.

  • (TTXVN/Vietnam+)