Phông chữ

Ước tính trung bình mỗi năm, Đức chi ngân sách tới 17,5 triệu euro (khoảng 520 tỉ đồng) cho công tác nghiên cứu khoa học để ứng dụng và phục vụ cho nền thể thao.

Khoa học là chìa khóa

Magrita, cô gái năm nay mới 14 tuổi nhưng cao tới 1m78 hì hục bơi trong một cái bể hình vuông mỗi chiều chừng 4m. Ông HLV đứng trên bờ, tay bấm đồng hồ liên tục sau mỗi câu hiệu lệnh yêu cầu Magrita nhảy xuống nước. Bên trong phòng kính, một nhân viên kỹ thuật sử dụng bảng điều khiển theo yêu cầu của vị HLV.

Magrita, VĐV bơi 14 tuổi tập trong một cái bể với dòng nước chảy nhân tạo


2,5m/s, rồi, OK. Nào bắt đầu.

5m/s đi. Gắng lên.

10m/s nhé. Cố nốt lần này thôi.

Ông HLV ra lệnh với cái giọng rất nhẹ nhàng. Magrita liên tục nhảy xuống bể rồi bơi ngược dòng nước chảy xiết. Xong ngửa thì cô lại bướm, và chuyển sang tự do. Cứ như thế liên tục trong suốt 90 phút. Cả 3 người làm việc tập trung tối đa, hầu như không bị tác động bởi đám đông bất ngờ xuất hiện phải tới gần 2 chục người.

“Magrita đã tập được 80 phút rồi, thế nên sức đã hao hụt. Giòng nước chảy 10m/s mạnh quá. Nếu ở thời điểm ban đầu buổi tập thì cô bé này sẽ không bị cuốn trôi đâu. Cô bé này là tương lai bơi lội của nước Đức đấy”,
 vị HLV mà chúng tôi không kịp hỏi tên chỉ có thể ngắn gọn như thế.

Hình ảnh tập luyện của Magrita trong một căn phòng nhỏ nhìn không quá hoành tráng với các máy móc đặc biệt để điều chỉnh dòng nước đã lý giải cho cá nhân người viết rằng tại sao Đức, một đất nước có rất ít sông suối và đường bờ biển chỉ vài trăm km nhưng lại có những nhà vô địch thế giới, Olympic môn bơi qua các thời kỳ, còn Việt Nam ngay cả những con đường ở các thành phố cũng biến thành sông vào các mùa mưa chứ chưa nói tới sông ngòi kênh rạch chằng chịt, lại không thể đào tạo nên một VĐV bơi tầm cỡ châu lục.

Ông Giám đốc Trung tâm Huấn luyện Olympic nằm ở phía Đông của thủ đô Berlin khẳng định rằng một trong những yếu tố quan trọng của thể thao ở Đức đấy là khoa học ứng dụng.

Một VĐV cử tạ đang trong quá trình phục hồi chấn thương.


2 trong số 4 tầng của tòa nhà nằm đối diện rộng cả ngàn m2 được bố trí hàng loạt những chiếc máy chuyên dụng.

Một bà giáo sư, một ông tiến sĩ và một chuyên gia túc trực hàng ngày bên chiếc máy đặc biệt để phân tích, giải mã các bí ẩn bên trong các cơ bắp, các động tác kỹ thuật của các VĐV điền kinh, đua xe…

Ở căn phòng khác, một vị HLV đứng bên chiếc màn hình máy tính chỉ vào biểu đồ hiển thị các phân tích về sức mạnh của đôi chân cho một VĐV cử tạ bị chấn thương đang tập phục hồi.

Máy tập phục hồi ở Trung tâm huấn luyện Olympic tại Berlin có vẻ như nhiều hơn số VĐV bị chấn thương, thế nên có tới 4-5 cái nhàn rỗi và mới chỉ 11h sáng nhưng cả dãy nhà vắng tanh không có VĐV nào tới sử dụng hệ thống thủy trị (hydrotherapy) cũng được quản lý bởi một vị giáo sư.

Trong hệ thống các mạng lưới phát triển khoa học thể thao, bản thân Trung tâm huấn luyện Olympic cũng làm công tác nghiên cứu, thì nó còn nhận được sự hỗ trợ từ các trường đại học khoa học, Học viện khoa học thể thao liên bang, Viện khoa học huấn luyện ứng dụng (IAT), Viện nghiên cứu và phát triển thiết bị tập luyện thể thao (FES).

Thể thao và học vấn

Trung tâm huấn luyện nằm ngay cạnh một nhà máy bia ở Berlin và trường đại học gần nhất là khoảng 20 phút đi xe hơi. Ông Giám đốc trung tâm hài hước bảo họ không thích hàng xóm mà đã làm tất cả để có sự liên kết chặt chẽ với 8 trường đại học ở Berlin. Có hàng chục VĐV đang tập luyện ở trung tâm đồng thời đang theo đuổi các ngành học ở các trường đại học.

Một ngôi trường không nhỏ được xây dựng ngay trong khuôn viên của trung tâm làm nơi học văn hóa cho các VĐV trong độ tuổi phổ thông ước tính ở thời điểm tháng 7/2011 cũng có tới 200 học sinh.

Ông Harry Bahr, Giám đốc trung tâm huấn luyện Olympic Berlin


Magrita, cô gái 14 tuổi, niềm hy vọng của môn bơi nước Đức đến từ một thành phố khác hàng ngày cũng đến ngôi trường ấy và cô bảo chắc chắn rằng sau vài năm nữa cô cũng sẽ vào đại học như các anh, chị khác đang tập luyện ở trung tâm.

Đức có một thực tế cũng giống như ở nhiều nơi khác, trở thành VĐV thể thao không phải là đến với cơ hội để làm giàu, và họ từng phải đối diện với thời kỳ hậu thành tích cao - các VĐV sau khi giải nghệ phải vật lộn với cuộc sống. Thế nên, sự liên kết với 8 trường đại học và hỗ trợ tối đa cho các VĐV có kiến thức và bằng cấp giờ là mục tiêu tối thượng.

Ông Frank Hansel, Tổng thư ký Liên đoàn điền kinh Đức (DLV) cho hay người được hưởng mức lương cao nhất và có thu nhập cao nhất (không tính tài trợ riêng) trong đội tuyển điền kinh của nước này cũng chỉ kiếm được chừng 100 nghìn euro/năm. Đó là một con số không quá ghê gớm so với mặt bằng thu nhập của người Đức. Thế nhưng, các thế hệ thanh thiếu niên Đức vẫn đến với thể thao, dấn thân cho đam mê và luyện tập khổ cực với hy vọng vinh quang ở phía trước.

Trung tâm huấn luyện Olympic ở Berlin hiện đang huấn luyện cho 500 VĐV với 22 đội tuyển (chiếm 15% số lượng VĐV quốc gia) chỉ là 1 trong số 19 trung tâm nằm rải rác trên khắp nước Đức, cùng với hàng chục các trung tâm huấn luyện cấp bang.

Hãy thực hiện một phép so sánh nhanh để thấy sự khác biệt: Việt Nam với gần 90 triệu dân và lòng đam mê thể thao vô bờ nhưng chỉ có 3 trung tâm huấn luyện với các thiết bị tập luyện có tuổi đời hàng chục năm, còn nước Đức với hơn 80 triệu dân nhưng có 19 trung tâm huấn luyện quốc gia với gần 3.500 VĐV cấp đội tuyển, dựa trên nền tảng phong trào là hơn 90 ngàn CLB với hơn 27,5 triệu người tập luyện thể thao thường xuyên.

Vậy có gì sai nếu nước Đức thực sự là quốc gia của thể thao thì chúng ta mới chỉ là một đất nước yêu thể thao?

* Người Đức vốn rất tự tôn, nhưng họ cũng rất cầu thị khi trong đội tuyển điền kinh có 2 HLV ngoại quốc đến từ Kazakhstan và Ba Lan, còn Trung tâm huấn Olympic Berlin trong 5 năm qua đã thuê một bác sĩ người Trung Quốc chuyên về thảo dược. Nước Đức cũng rất hào phóng, sẵn sàng giúp đỡ các nền thể thao đang phát triển. Trong 50 năm qua, họ đã hỗ trợ gần 50 quốc gia khác nhau trong đó có Việt Nam. Mới đây, 2 HLV điền kinh của Việt Nam đã kết thúc chương trình huấn luyện kéo dài hơn 1 tháng cùng với Liên đoàn điền kinh Đức ở thành phố Damstadt. Hiện, chuyên gia Uwe Freimuth cũng được gửi tới Hà Nội theo chương trình hợp tác hỗ trợ.

* Vũ Thị Hương bị chấn thương trong khi tập luyện ở Đức trong chuyến tập huấn dự tính kéo dài khoảng 3 tháng. Tuy nhiên, từ DOSB cho tới Liên đoàn điền kinh Đức đều không hay biết về chuyến đi của Hương. Ông Frank Hansel khẳng định nếu là nội dung trong chương trình hợp tác giúp đỡ thì ông phải biết về sự kiện này.