Phông chữ

Đội tuyển nữ Nhật Bản vượt qua vòng bảng World Cup bóng đá nữ - nơi có Anh, Mexico và New Zealand góp mặt - là điều không quá bất ngờ. Nhưng tất cả bắt đầu bị sốc khi Nhật Bản đánh bại Đức - đội tuyển chủ nhà đồng thời là nhà vô địch của 2 vòng chung kết World Cup bóng đá nữ gần đây. Hành trình đến đỉnh vinh quang của các cô gái đến từ xứ sở hoa anh đào ở giải lần này còn ghi dấu 2 kẻ thất bại khác là Thuỵ Điển ở trận bán kết và Mỹ trong trận chung kết.

Nhật Bản phải mất tới 120 phút mới đánh bại Đức bằng bàn thắng ở hiệp phụ, và còn mất nhiều công sức hơn thế để quật ngã Mỹ. Bị Mỹ dồn ép suốt cả trận và 2 lần bị đối thủ vượt lên dẫn trước, cả 2 lần người Nhật đều chiến đấu một cách kiên cường và leo dốc thành công. Tinh thần thép của những cô gái samurai đã đưa Nhật Bản lên ngôi vô địch thế giới một cách xứng đáng, trong sự tâm phục, khẩu phục của người Mỹ, người Đức cũng như toàn bộ khán giả trên thế giới.

Người Đức nổi tiếng với tinh thần và bản lĩnh hơn người, nhưng cũng phải phục sát đất trước những gì mà người Nhật Bản vừa làm được. Từ chỗ là nạn nhân của thảm hoạ kép, động đất và sóng thần xảy ra hồi tháng 3 vừa qua, Nhật Bản đã đứng lên mạnh mẽ và tạo ra một trận “động đất”, một cơn “sóng thần” khác ở vòng chung kết World Cup bóng đá nữ, mang vinh quang về cho châu Á. Trong 5 lần tổ chức trước đây, mặc dù châu Á có 2 lần đăng cai (Trung Quốc 1991 và 2007) nhưng đội vô địch đều thuộc về châu Âu (Na Uy 1995, Đức 2003 và 2007) hoặc Mỹ (1991, 1999).

Trước khi đội tuyển Nhật Bản giành ngôi vô địch bóng đá nữ thế giới thì người Đức cũng đã luôn dành cho người Nhật sự tôn trọng đặc biệt. Ở Đức, nhắc đến Nhật Bản là người ta nói đến một đất nước phát triển kỳ diệu với những con người có ý chí mạnh mẽ, có óc sáng tạo tuyệt vời và kỷ luật nghiêm ngặt. Trong một lần đi công tác ở Đức, chuyến bay của phóng viên TT&VH Cuối tuần từ Munich đến Berlin của hãng hàng không Lufthansa đã hoãn lại hơn 30 phút vì có một đoàn khách người Nhật bị thất lạc hành lý trong khi transit ở sân bay Munich.

Ngay tại thủ đô Berlin, bên cạnh những con phố rợp bóng anh đào ở gần Đại sứ quán Anh và Mỹ, người Nhật đã xây dựng nên một khu nhà đẹp lộng lẫy, với điểm nhấn là Sony Center, ở Potsdamer Platz, nơi mà từ năm 1991 trở về trước bức tường Berlin đã chạy qua, ngăn đôi nước Đức thành Đông và Tây. Vài người lớn tuổi ở Đức không thích vẻ đẹp hiện đại của khu này, nhưng đa số người trẻ lại muốn đến đây để vui chơi, xem phim, mua sắm và ăn uống. Các rạp chiếu phim hiện đại ở đây chính là nơi diễn ra Liên hoan phim Berlin vào tháng 2 hàng năm, với giải thưởng Gấu vàng danh giá.

Cũng không phải tự nhiên mà làn sóng cầu thủ Nhật đến chơi bóng ở Bundesliga ngày càng nhiều, mới nhất là tiền vệ Takashi Usami, gia nhập Bayern từ Gamba Osaka. Người Nhật cần cù và kỷ luật, rất hợp với tính cách của người Đức. Và cũng ở Bundesliga, người Nhật cảm thấy được tôn trọng và có cơ hội toả sáng. Từ một đất nước nghèo khó, người Nhật đã vươn lên và chinh phục được người Đức ngay trên đất Đức, một điều mà không mấy dân tộc làm được.