Phông chữ

17 Bộ trưởng Tài chính châu Âu vừa có cuộc đàm phán quan trọng về các biện pháp giải cứu Hy Lạp và tình hình nghiêm trọng hơn tại Italy, tạo nguy cơ lây lan khủng hoảng nợ trong khu vực.

Cho đến lúc này, vẫn chưa có kết quả chính thức từ cuộc họp, tuy nhiên, nhiều ý kiến nhận định, châu Âu có thể phải chấp nhận tái cấu trúc một phần nợ của Hy Lạp.

Các nguồn tin từ EU cho biết, cuộc họp thảo luận về khả năng mua lại trái phiếu của Hy Lạp hoặc gia hạn thời gian đáo hạn của trái phiếu mà khu vực tư nhân nắm giữ. Cả hai cách này đều được cho là tái cấu trúc nợ hay tái cấu trúc nợ một phần.

Đức, Hà Lan, Áo và Phần Lan cùng đề xuất rằng, các ngân hàng, công ty bảo hiểm và các nhà đầu tư cá nhân khác của trái phiếu chính phủ Hy Lạp cần gánh một phần chi phí cứu trợ Hy Lạp khoảng 30 tỷ Euro. Tuy nhiên, 2 tuần nay, các cuộc đàm phán với đại diện các ngân hàng vẫn chưa thống nhất được cơ chế thực hiện điều này.

Trong khi đó, Ngân hàng TƯ châu Âu ECB kiên quyết sẽ không chấp nhận bất kỳ kế hoạch tái cấu trúc nợ nào bởi lo ngại nhà đầu tư sẽ ồ ạt rút vốn từ các loại trái phiếu do chính phủ các nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu đang gặp khó khăn, bao gồm cả Italy và Tây Ban Nha, nền kinh tế lớn thứ ba và thứ tư châu Âu.

Đề xuất cần sự tham gia của khu vực tư nhân vào chương trình cứu trợ Hy Lạp đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình.

Ông Jan Kees De Jager, Bộ trưởng Tài chính Hà Lan: Chúng tôi vẫn tham gia trên tinh thần tự nguyện, đó là cam kết của chúng tôi và cả Quốc hội của chúng tôi. Nhưng cần có sự tham gia của khu vực tư nhân.

Ông Didier Reynders, Bộ trưởng Tài chính Bỉ: Còn quá sớm để quyết định về một gói cứu trợ thứ hai, nhưng điều đầu tiên là về sự tham gia của khu vực tư nhân. Đó là yếu tố quan trọng nhất trong buổi hôm nay.

Người phát ngôn của Chủ tịch Hội đồng châu Âu cho biết, cuộc họp này sẽ không thảo luận về Italy. Tuy nhiên, các nguồn tin thân cận với các lãnh đạo của EU cho rằng, không thể không thảo luận về Italy, nền kinh tế thứ ba thế giới sau khi có một đợt bán tháo tài sản cuối tuần qua mà báo chí Italy gọi là “ngày thứ 6 đen tối”.

Ông Wolfgang Schaeuble, Bộ trưởng Tài chính Đức: Italy đang trong quá trình ra quyết định về ngân sách không dễ dàng, nhưng bản dự thảo mà Bộ trưởng Tài chính Italy đưa ra rất đáng thuyết phục. Trước các cuộc họp như thế này, có những sự phấn khích là bình thường, nhưng không nên làm nó nghiêm trọng quá. Italy vẫn đang đi đúng hướng.

Bà Elena Salgado Mendez, Bộ trưởng Tài chính Tây Ban Nha: Tôi tin rằng, điều chúng ta cần phải làm tất nhiên là tránh khả năng phải đưa vấn đề này lên bàn thảo luận. Theo tôi, Italy có thể ra khỏi tình trạng này với sự giúp đỡ của mọi người, nhưng không phải giúp đỡ về tài chính như chúng ta vẫn nói.

Đợt bán tháo tại Italy làm dấy lên lo ngại rằng, Italy với tỷ lệ nợ công trên GDP cao nhất trong khu vực, chỉ sau Hy Lạp sẽ là nước tiếp theo gánh chịu khủng hoảng. Ngoài ra, thị trường còn lo ngại rằng, Thủ tướng Silvio Berlusconi có thể cách chức Bộ trưởng Tài chính lâu năm vốn là người chủ trương cắt giảm mạnh chi tiêu để kiểm soát thâm hụt ngân sách.

Nhiều khả năng một cuộc họp tương tự sẽ được triệu tập vào cuối tháng này để ký kết về gói cứu trợ Hy Lạp.

  • Theo Vinacorp