Phông chữ

Ông Mario Draghi, người được chọn làm chủ tịch ECB tương lai, đã tuyên bố ECB chỉ chấp thuận cho các trái chủ tham gia giải quyết vấn đề nếu động cơ hoàn toàn tự nguyện.


Ngày thứ Sáu, chính phủ Đức tránh đối đầu với ECB về vấn đề gói giải cứu mới dành cho Hy Lạp. Đức buộc phải đồng ý rằng sẽ không buộc các chủ nợ tư nhân chia sẻ gánh nặng.

Việc chính phủ Đức trước đó khăng khăng về việc buộc các chủ nợ chia sẻ gánh nặng đã khiến thị trường không khỏi sợ hãi về khả năng các cuộc thoả thuận về gói giải cứu thứ 2 sẽ bị cản trở, yếu tố cần thiết để ngăn khủng hoảng tài chính vào năm 2012.

Thủ tướng Đức và Tổng thống Pháp đã thông báo về thoả thuận mới đạt được của họ sau buổi họp kéo dài 2 giờ tại Berlin.

Bà Merkel nói: “Chúng tôi cho rằng sự tham gia của chủ nợ tư nhân sẽ chỉ mang tính tự nguyện. Các thoả thuận sẽ cần phải được bàn thảo cùng với ECB. ECB không nên tranh cãi về vấn đề này.”

Thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu lập tức hưởng ứng thông tin này và đồng euro mạnh lên so với đồng USD sau khi giảm mạnh trước đó. Lợi suất trái phiếu chính phủ Hy Lạp và một số chính phủ khác giảm sau một tuần tăng liên tiếp.

Để ngăn khả năng vỡ nợ gần đến, Hy Lạp cần tiếp tục nhận được tiền trong đợt giải ngân tiếp theo của khoản vay 110 tỷ euro tương đương 155 tỷ USD đã được chấp thuận cách đây 1 năm. Số tiền nhận được lần này khoảng 12 tỷ euro.

Hơn thế nữa, Hy Lạp có thể đang cần thêm một gói giải cứu, ước tính khoảng 60 tỷ euro bởi nước này sẽ không thể trở lại thị trường nợ vào năm 2012 như kế hoạch tính toán ban đầu.

Ngân hàng Trung ương châu Âu, hiện đang nắm hàng tỷ euro nợ chính phủ Hy Lạp, đã phản đối kịch liệt khả năng vỡ nợ mà các tổ chức xếp hạng tín dụng đã nói đến. Ông Mario Draghi, người được chọn làm chủ tịch ECB tương lai, đã tuyên bố ECB chỉ chấp thuận cho các trái chủ tham gia giải quyết vấn đề nếu động cơ hoàn toàn tự nguyện.

  • Theo Vinacorp