Phông chữ
“Mafia gây cản trở đối với sự tăng trưởng kinh tế của Italia” - Tuyên bố ngày 19-3 của Thống đốc Ngân hàng Trung ương Mario Draghi đang khiến dư luận hoài nghi về “sự thành công” của chiến dịch trấn áp mà cảnh sát Italia tiến hành thời gian gần đây.

Trong bài phát biểu được đọc sau báo cáo thường niên của Cơ quan Chống mafia Quốc gia (DNA) ngày 19-3, Thống đốc Mario Draghi nhấn mạnh, vì sự xâm nhập của mafia vào các cơ cấu, tổ chức sản xuất ngày càng tăng trong 10 năm qua đã khiến cho nền kinh tế đứng thứ 4 Liên minh châu Âu bị ảnh hưởng và đó là một trong những yếu tố chính gây cản trở đối với sự phát triển của nước này.

Nhiều người nói rằng, mafia đã tiếp cận và từng bước chi phối các hợp đồng kinh doanh, kể cả những dự án tầm cỡ như Hội chợ Thương mại thế giới tại Milan năm 2015. Trước đó, Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anna Tarantola từng khẳng định, trung bình mỗi năm mafia thu nhập tới 135 tỷ Euro, và hoạt động rửa tiền tính tới hạ tuần tháng 8-2010 đã tăng 52% so với cùng kỳ năm 2009.

Theo thống kê của cảnh sát, mặc dù đã bị tấn công mạnh thời gian qua, nhưng cho đến nay băng đảng Ndrangheta ở Calabria vẫn đang phát triển không những tại Italia, mà ở cả nước ngoài. Một trong những nguyên nhân khiến chúng trở nên “hùng mạnh” bởi nguồn tài chính khổng lồ thu được từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Ndrangheta được mọi người đánh giá là một trong những tập đoàn tội phạm có thế lực nhất ở Italia cũng như trên thế giới cùng khoản “ngân sách” lên tới hơn 3% GDP của nước này.

Ngoài  Ndrangheta còn phải kể tới băng nhóm mafia Sicily (còn gọi là Cosa Nostra) và băng đảng Camorra, đều có nguồn gốc ở miền Nam Italia. Theo tính toán của SOS Impresa, một tổ chức chống mafia có trụ sở tại Rome, riêng trong năm 2009, tổng thu nhập của các băng đảng tội phạm có tổ chức ở Italia là 135 tỷ Euro. Còn theo thống kê của Viện Eurispes ở Italia, doanh thu của Ndrangheta có thể tới 44 tỉ Euro nhờ buôn bán ma tuý và vũ khí - gần như độc quyền trong việc buôn bán cocaine ở châu Âu.

Cách đây 8 tháng, khoảng 300 đối tượng của Ndrangheta đã bị bắt, sau đó cảnh sát Italia còn phối hợp với cảnh sát Đức, Canada và Australia bắt 41 nghi can khác của băng đảng này. Trong số những tên mới bị bắt tại Italia (ngày 8-3) có Francesco Maisano, kẻ trốn trong hầm ngầm khi bị cảnh sát lục soát nhà. Francesco Maisano bị bắt khi cảnh sát Italia thực hiện chiến dịch “Crime 2” sau khi kết thúc chiến dịch “The Crime” được tiến hành hồi tháng 7-2010. Bộ trưởng Nội vụ Roberto Maroni tuyên bố, đây là chiến dịch cực kỳ quan trọng vì nó giáng một đòn mạnh vào Ndrangheta ở Italia và nước ngoài.

Trước đó, cảnh sát đã bắt Mario Iavarazzo, trùm mafia đầy thế lực ở thành phố Napoli thuộc vùng Campania. Mario Iavarazzo được coi là ông trùm của nhánh Schiavone thuộc băng đảng Casalesi ở Napoli. Ông Roberto Maroni cho biết, từ tháng 1 đến tháng 11-2010, họ đã tịch thu một lượng lớn tài sản của mafia trị giá tới 15 tỷ Euro, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2009. Giới chuyên môn từng quan tâm tới lời cảnh báo của cựu công tố viên cấp cao chống mafia của Italia Enzo Macri - các “bố già” mafia và đàn em đã tận dụng tối đa sơ hở của chương trình “Đó là bóng đá” để giao lưu với nhau.

Theo đó, các “bố già” chỉ đạo đàn em hoạt động, còn thuộc hạ thường xuyên báo cáo mọi di biến động ở bên ngoài cho dù bị ngăn cách bởi song sắt nhà tù. Kiểu gửi tin nhắn tới chương trình “Đó là bóng đá” thời gian qua đã tạo điều kiện hiếm có để mafia hoạt động bởi khi trận đấu được phát sóng thì những tin nhắn này sẽ lần lượt được hiển thị ở phía dưới màn hình. Ông Enzo Macri coi đây là một kênh liên lạc lý tưởng đối với các bố già đang phải bóc lịch trong tù. Sau tuyên bố của ông Enzo Macri, chương trình “Đó là bóng đá” đã bị cấm (kể từ 12-9-2010).

Chính phủ Italia mới ban hành Nghị định thư về “An toàn môi trường” nhằm tăng cường cuộc chiến chống lại các loại tội phạm mafia có liên quan đến môi trường. Tại cuộc họp bất thường tối 25-1, Bộ trưởng Nội vụ Roberto Maroni, Bộ trưởng Tư pháp Angelino Alfano và Bộ trưởng Môi trường Stefania

Prestigiacomo đã nhất trí thành lập một nhóm Cảnh sát đặc nhiệm cùng Ban điều phối nhằm trấn áp mafia môi trường. Được biết, trung bình mỗi năm, mafia môi trường ở Italia thu khoảng 23 tỷ Euro lợi nhuận thông qua các hoạt động bất hợp pháp trong lĩnh vực “bẩn thỉu” này. Có tin nói rằng, mafia đã kiếm hàng tỷ Euro từ rác thải hạt nhân. Hơn 3 tháng trước (8-12-2010), người biểu tình ở Campanhia đã đốt 2 xe tải chở rác tại thị trấn Terdigno, gần thành phố Napoli.