Phông chữ
Người thất nghiệp ở Đức bước vào năm 2010 với nỗi lo ngay ngáy. Thống đốc bang Hessen Roland Koch, thành viên của đảng cầm quyền Liên minh Dân chủ Cơ Đốc giáo (CDU), vừa kêu gọi chính phủ siết chặt chính sách với các đối tượng sẽ nhận trợ cấp thất nghiệp ALG II, đòi họ phải chấp nhận mọi công việc, bất kể chuyên môn và trình độ. ALG II là “phiên bản mới” của hệ thống trợ cấp xã hội Hartz IV đang được áp dụng ở Đức.



Ông R.Koch

Ông Roland Koch tuyên bố: “Không ai được coi cuộc sống dựa vào trợ cấp là phương cách dễ chịu. Nhà nước phải đòi hỏi những người đang hưởng trợ cấp chấp nhận làm mọi công việc có ích cho xã hội để đổi lấy sự giúp đỡ”. Theo ông, có thể chia các đối tượng nhận trợ cấp của nhà nước theo hai loại: Thứ nhất, đó là những người gặp khó khăn do hoàn cảnh xô đẩy. Còn lại là những người “đánh đu với hệ thống bảo trợ xã hội để trục lợi”. Ông Koch cho rằng, mọi hệ thống trợ cấp thất nghiệp dù ưu việt đến đâu đều không thể hoạt động tốt nếu không chứa đựng những yếu tố “hù dọa” hữu hiệu. Nếu không, những người đang làm việc bình thường sẽ không chấp nhận nổi khi so sánh thu nhập của mình với số tiền trợ cấp mà người thất nghiệp được hưởng. 

Phe đối lập ngay lập tức nắm lấy lời đề nghị của ông Koch để “truy cứu trách nhiệm” đối với chính phủ Đức. Chủ tịch Đảng Xã hội Dân chủ Sigmar Gabriel đề nghị rằng, chính phủ nên thực hiện các cam kết về bố trí công ăn việc làm và điều hành đất nước hơn là “bó gối” ngồi nhìn nạn thất nghiệp leo thang. 


Trợ cấp xã hội là chiếc phao cứu sinh đối với những người bị mất việc làm

Ông Koch muốn siết chặt ALG II cho dù “luật chơi” của nó có tính chất khắc nghiệt hơn so với Hartz IV. Theo đó, ai đang nhận trợ cấp phải chấp nhận mọi công việc khả dĩ mà các trung tâm giới thiệu việc làm đưa ra. Trong trường hợp ngược lại thì đầu tiên họ sẽ bị cắt 30% và sau đó là mất hoàn toàn trợ cấp thất nghiệp. Theo số liệu của Bộ Lao động và các vấn đề xã hội Đức, trong 8 tháng đầu của năm 2009, các trung tâm việc làm đã “cắt” 68.500 trường hợp đang hưởng trợ cấp Hartz IV do những người này từ chối nhận việc hoặc không chịu học để nâng tay nghề. 488.000 trường hợp khác bị phạt do không tuân thủ thời hạn đăng ký ở các trung tâm việc làm. 

Điều may mắn đối với những người đang nhận sự trợ giúp từ nhà nước là kiến nghị của ông Koch đã gây phản ứng dữ dội ở nhiều lực lượng chính trị Đức. Người đầu tiên lên tiếng phê phán ông lại chính là một thành viên của CDU, bà Ursula Von Der Leyen, Bộ trưởng Lao động và các vấn đề xã hội. Bà này nói: “Phần lớn mọi người đều cố gắng để không phải phụ thuộc vào Hartz IV. Đừng quên rằng nhiều người nhận trợ cấp là vì không thể đi làm do chẳng biết gửi con nhỏ cho ai, chưa học xong phổ thông hoặc không được đào tạo nghề”. 


Tổng bí thư Đảng Dân chủ Tự do Christian Lindner thì cho rằng, đề xuất của ông Koch sẽ chẳng giúp giải quyết vấn đề thất nghiệp tại Đức. Trong khi đó, Klaus Ernst thuộc phái Die Linke cánh tả ở Quốc hội kêu gọi Thủ tướng Angela Merkel chỉ đường cho “kẻ lạc lối” Koch trở về chỗ của mình và đánh giá kiến nghị trên mang tính chất của... thời Trung cổ. Ernst nói: “Ai muốn xây dựng các yếu tố hù dọa trong hệ thống giúp đỡ tầng lớp nghèo nhất xã hội chắc chắn là có ý định làm cho những người này trở thành nạn nhân của hệ thống bảo trợ”. 

Theo báo cáo của Cơ quan Lao động Liên bang Đức, năm 2009, tại nước này đã ghi nhận 165.000 trường hợp lạm dụng trợ cấp thất nghiệp Hartz IV. So với năm 2008 thì số vụ tương tự tăng 1,8%. Phần lớn trong số đó là các trường hợp cung cấp dữ liệu “ma” để nhận trợ cấp. 

Tổng cộng năm 2009 có 6,5 triệu người Đức nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp. Số tiền phạt mà các trung tâm việc làm đánh vào những trường hợp vi phạm là 3,7 triệu euro. 

Tại Đức, trợ cấp thất nghiệp được trao cho những người: 

- Nộp đơn đề nghị. 

- Không có việc làm. 

- Đã đăng ký tìm việc với Cơ quan Lao động Liên bang. 

- Trong ba năm qua từng làm việc không dưới 12 tháng. 

- Chưa đạt tuổi về hưu. 

Trợ cấp thất nghiệp bằng khoảng 60 % tháng lương cuối cùng và được cấp tối đa 18 tháng, tùy theo lứa tuổi của người nhận.