Phông chữ
Đức và Thổ Nhĩ Kỳ lại bất đồng với nhau về ngôn ngữ mà cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ ở Đức cần phải học, giữa lúc người Đức đang tranh cãi về vấn đề hội nhập ở quốc gia đông dân nhất châu Âu này.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã khơi mào vụ việc này khi nói trước cuộc gặp tối 27/2 ở thành phố Duesseldorf, Đức, với cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ rằng trẻ em Thổ Nhĩ Kỳ phải học phải "tiếng mẹ đẻ" trước khi học tiếng Đức.

Ông Erdogan đến Đức dự Hội chợ máy tính CeBIT ở thành phố Hanover. Năm 2008, ông từng gây ra làn sóng tranh cãi tương tự ở Đức khi tuyên bố "chính sách đồng hoá là tội ác chống lại nhân loại."

Ngày 28/2, đứng bên cạnh Thủ tướng nước đối tác Thổ Nhĩ Kỳ trong lễ khai mạc hội chợ, Thủ tướng nước đăng cai Angela Merkel cho rằng người Thổ Nhĩ Kỳ ở Đức phải học tiếng Đức để có thể đóng góp cho xã hội.

Bà nhấn mạnh tiếng Đức là ngôn ngữ quan trọng cần phải học để có cơ hội tham gia đời sống xã hội ở Đức; đồng thời khẳng định Berlin muốn các công dân Đức có nguồn gốc Thổ Nhĩ Kỳ đóng góp cho xã hội và hưởng chế độ phúc lợi ở nước này.

Bộ trưởng Ngoại giao Đức Guido Westerwelle trước đó khẳng định, trẻ em Thổ Nhĩ Kỳ ở Đức phải học tiếng Đức trước tiên để hội nhập xã hội, nếu không sẽ bị tụt hậu và sẽ ít có cơ hội tìm việc làm khi lớn lên.

Trong khi đó, Tổng thư ký đảng Bavarian, đồng minh với đảng Dân chủ Cơ đốc giáo của bà Merkel, còn đề nghị triệu Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ đến để chất vấn về phát biểu nói trên của ông Erdogan. Theo quan chức này, phát biểu của ông Erdogan đẩy lùi các nỗ lực hội nhập ở Đức tới vài năm.

Tháng 8/2010, thành viên Ban Giám đốc Ngân hàng trung ương Đức Thilo Sarrazin đưa ra nhận xét gây tranh cãi, cho rằng "nước Đức trở lên ngu ngốc hơn vì những người nhập cư Hồi giáo ít học và lười lao động," đẩy nước này vào cuộc tranh cãi gay gắt về vấn đề người nhập cư./.