Phông chữ
“Thỏa ước về tính cạnh tranh” do Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đề xuất nhằm hợp nhất hơn nữa Liên minh châu Âu (EU) trong các vấn đề kinh tế đã không nhận được sự ủng hộ nhiệt tình.

Những lời chỉ trích gay gắt kế hoạch này đang vang vọng khắp các nước thành viên. Lâu nay, Thủ tướng Viktor Orbán của Hungary, nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên EU, đã không mấy tán thưởng đề xuất này. Giờ đây, ông đã có được sự ủng hộ của nhiều chính đảng châu Âu trong vấn đề này. Chẳng hạn như hôm 8/2 vừa qua, hàng trăm quan chức thuộc Đảng Nhân dân Châu Âu (EPP) đã chào đón chính trị gia bảo thủ này như một người hùng.

Các phái đoàn liên minh trong EPP, từ các đảng Dân chủ Cơ đốc giáo đến những đảng trung hữu khác ở khắp châu Âu, đã tề tựu tại Galeries Royales Saint-Hubert, đặc biệt tán thưởng những chỉ trích của ông Orbán với đề xuất thành lập một “chính phủ về kinh tế” cho Eurozone (những nước sử dụng đồng tiền chung Euro) của Thủ tướng Đức Merkel.

Rõ ràng đây là biểu hiện không hài lòng với đề xuất của nữ Thủ tướng Đức. Từ vài tuần qua, bà Merkel và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã công bố một kế hoạch nhằm đưa ra giải pháp dài hạn cho cuộc khủng hoảng đồng euro hiện tại. Tuy nhiên, nhiều quốc gia EU khác lại xuất hiện cảm giác bị liên minh mới Đức-Pháp qua mặt, cũng như trái ngược với kế hoạch đang thành hình ở khối 27 quốc gia thành viên này.

Nhà lãnh đạo châu Âu nào cũng có lí do nào đó để chỉ trích đề xuất Đức-Pháp, từ những thành viên Tây Âu lâu năm cho đến những nước Đông Âu mới gia nhập, từ nước nhỏ cho đến nước lớn, từ những nước chìm trong nợ nần ở phía Nam cho đến các chính phủ đang thắt lưng buộc bụng ở phía Bắc. Theo đề xuất Merkel-Sarkozy, họ muốn tạo ra một “Thỏa ước về tính cạnh tranh” nhằm bắt buộc mọi quốc gia thành viên Eurozone phải cùng tham gia thực hiện các chính sách tài khóa và xã hội, gồm hạn chế quỹ hưu trí để phù hợp hơn với một dân số đang già cỗi, phối hợp đánh thuế thu nhập chặt chẽ hơn cũng như mức tăng lương tối thiểu sẽ không còn được áp dụng tự động mỗi khi giá cả leo thang. Đề xuất này dự kiến sẽ bổ sung cho kế hoạch về quỹ hỗ trợ khủng hoảng thường trực của Eurozone.

Các cuộc tranh cãi này đã tạo lập một trận tuyến mới trong lòng châu Âu: Berlin, Paris và phần còn lại. Người phát ngôn của các nước còn lại này là Thủ tướng Luxembourg Jean-Claude Juncker, vốn có mối quan hệ không mấy êm đẹp với cả Merkel và Sarkozy. Và theo kết luận của tờ Finance Times, đề xuất liên danh Merkel-Sarkozy đã “rơi tuột như một quả bóng chì” tại hội nghị thượng đỉnh EU vừa qua.

Hiện Ủy ban châu Âu (EC) cũng phản đối đề xuất của bà Merkel về quỹ giải quyết khủng hoảng, “Cơ chế ổn định châu Âu” (ESM). Trong khi EC muốn ESM chỉ có thẩm quyền mua trái phiếu chính phủ của các nước gặp nguy hiểm, thì trái lại, ESM theo bà Merkel, lại giống như một phiên bản copy của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Theo đó, ESM sẽ có chức năng bình ổn đồng euro và giúp các nước eo hẹp về tài chính có tiền. Phụ thuộc vào tính nghiêm trọng của tình hình, các khoản tín dụng trị giá 500 tỷ euro, đã được các bộ trưởng Eurozone thống nhất phê chuẩn hôm 14/2, sẽ được cấp trong ngắn và trung hạn, thậm chí “có thể được tăng thêm nếu cần thiết”.

Rõ ràng, chính phủ Đức sẽ phải đối mặt với rất nhiều cuộc tranh cãi không mấy vui vẻ về vấn đề này trong thời gian tới nếu họ quyết tâm biến đề xuất của bà Merkel thành hiện thực.