Phông chữ

Người Việt ở nước ngoài có đoàn kết không? Theo ý kiến của một Việt kiều ở Đức, để trả lời câu hỏi này người ta không nên lấy một vài trường hợp cá biệt để "chụp mũ" cho cả cộng đồng và cũng không nên bỏ qua bối cảnh lịch sử.

Trước đây, khi còn ở Việt Nam tôi không thể hình dung ra được cuộc sống của một người Việt ở nơi „đất khách, quê người“ như thế nào. Hầu hết người Việt khá nhạy cảm khi phải tiếp xúc với một môi trường sống mới. Nơi tôi hiện đang sinh sống có rất ít người Việt, những người tôi quen chỉ đếm được trên đầu ngón tay, trong đó có cả các bạn sinh viên.


Tôi đã đọc nhiều bài viết ở hải ngoại nói về tính đoàn kết của người Việt ở nước ngoài, trong đó có bài viết cho rằng người Việt ở nước ngoài không đoàn kết, đôi khi  đố kỵ hẹp hòi. Có thể, bài viết ấy đúng với một trường hợp cá biệt nào đó, nhưng nó không mang tính đại diện và cũng không còn hợp thời nữa.

Nhiều người Việt ở nước ngoài bắt đầu cuộc sống trên đất nước hoàn toàn xa lạ bằng bàn tay trắng: không tiền nong, không nhà cửa, có chăng cũng chỉ là trại tị nạn. Khó khăn lắm, khổ cực lắm mới kiếm được đồng tiền nên họ bắt buộc phải chắt chiu từng „miếng cơm, manh áo“, khó tránh khỏi tình trạng xô đẩy chen lấn lẫn nhau để giành lấy một chỗ đứng. Thậm chí cho đến nay, vẫn còn nhiều người thuộc thế hệ này vẫn còn đang lưu lạc trên „đất khách quê người“:  không nhà cửa, không giấy tờ và không cả công ăn việc làm. Cuộc sống khó khăn nơi đất khách quê người đôi khi cũng khiến cho con người trở nên hẹp hòi, giống như một người bị đói ăn lúc nào cũng lo kiếm cái cho vào bụng mà ít quan tâm đến cảnh ngộ của người khác.

Bây giờ, tình hình đã khác xưa và cuộc sống của cộng đồng người Việt ở nước ngoài nói chung và ở Đức nói riêng đã đi vào ổn định. Chúng tôi (những người thuộc thế hệ 7X hoặc 8X) có trình độ văn hoá, trình độ ngoại ngữ  đủ để thích nghi với cuộc sống ở nước ngoài. Chúng tôi được học hành đến nơi đến chốn, đĩnh đạc đàng hoàng khi gặp cảnh sát mà không sợ bị hỏi giấy tờ như các bậc cha chú trước đây. Chúng tôi ra nước ngoài một cách đàng hoàng, chứ không phải trốn chui trốn lủi. Chúng tôi có công ăn việc làm, chứ không bị các „đầu nậu“ ép buộc phải đi trồng cần sa hay bán thuốc lá lậu.

Mặc dù cuộc sống ở đâu cũng có khó khăn riêng, bất kể  ở Việt Nam, Mỹ, Australia hay Đức, cộng đồng người Việt nói chung vẫn chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau,  bon chen  đố kỵ chỉ là những hiện tượng cá biệt.

Cho đến nay, hầu hết bạn bè người Việt Nam của tôi ở Đức và một số nước khác đối xử với nhau rất tốt, chưa thấy một điều gì gọi là „ghen ăn, tức ở“. Tôi luôn nhận được sự giúp đỡ vô tư của bạn bè. Thời thế đã đổi thay,  cái định kiến cho rằng người Việt Nam ở nước ngoài không biết đoàn kết là sai lầm, là võ đoán.

Người Đức có tư duy logic và khả năng làm việc độc lập khá cao nhưng tính đoàn kết thì chưa chắc bằng người Việt. Nhiều người Đức cũng chỉ biết đến Việt Nam qua hai cuộc chiến tranh và cũng bày tỏ lòng khâm phục trước tinh thần đoàn kết chống giặc ngoại xâm của người Việt Nam.

Tất nhiên trong một cộng đồng dân tộc có người tốt và có người xấu, nhất là tại đất nước đa bản sắc văn hoá như nước Đức. Thế nhưng, trong con mắt của dân chúng địa phương,  người Việt được coi như một cộng đồng cần cù chịu khó hiền lành, sống và làm việc vì gia đình và tương lai của con cái.

Chính vì  thế, ta hãy nhìn nhận một cách đúng đắn hơn về tinh thần đoàn kết của người Việt ở nước ngoài. Là người Việt, khi nói về cộng đồng của mình ở nước ngoài, người ta không thể loại trừ bản thân theo kiểu „thiên hạ đều đục, một mình ta trong“ và cũng không thể có những nhận định phiến diện một chiều hay „vơ đũa cả nắm“. 
 
Hà Anh (CHLBĐức)