Phông chữ

Đó là thông báo của Phó tổng thống Omar Suleiman trên đài truyền hình quốc gia Ai Cập chiều tối 11-2 (giờ địa phương). Ngay lập tức, những người biểu tình kêu gào trong vui sướng: “Ai Cập tự do!”.

Hàng trăm ngàn người biểu tình òa khóc nức nở rồi ôm chầm lấy nhau hô to: "Dân chúng đã hạ bệ được chính quyền", "Chúa trời muôn năm"...

Trong khi đó, quân đội Ai Cập ra một thông cáo cam kết sẽ thực hiện hàng loạt cải cách về hiến pháp. Thông cáo này được xem là ám chỉ rằng quân đội sẽ xen vào lời hứa chuyển giao quyền lực giữa ông Mubarak và phó tổng thống Suleiman không lâu trước đó.

“Ông Mubarak đã chuyển giao cho Hội đồng tướng lĩnh tối cao quyền điều hành mọi hoạt động của đất nước. Do đó, quân đội sẽ giám sát toàn bộ tiến trình cải cách này”, thông cáo nêu rõ.

Trước mắt, quân đội đã sa thải nội các, đình chỉ hoạt động lưỡng viện của Quốc hội Ai Cập. Trước khi một cuộc bầu cử tổng thống mới dự kiến được tổ chức vào tháng 9 tới, quân đội sẽ cai quản Ai Cập.

Cuối cùng, vị tổng thống 80 tuổi của Ai Cập cũng phải từ chức sau hơn 30 năm "trị vì"

Giới phân tích nhận xét đây là thắng lợi to lớn của người dân Ai Cập, còn Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng hành động từ chức của ông Mubarak cũng có thể xem là "phục vụ lợi ích của nhân dân".

Ngày thứ sáu 11-2 được xem là diễn biến chóng mặt của chính trường Ai Cập. Từ cuối ngày 10-2, khi ông Mubarak tuyên bố chuyển giao quyền lực cho phó tổng thống Suleiman và kiên quyết không từ chức, người biểu tình đã giận dữ thề rằng “Ai Cập sẽ nổ tung”.

Còn phía quân đội. một mặt lên tiếng ủng hộ quá trình chuyển giao quyền lực một cách hòa bình, mặt khác không hề ngăn cản những người biểu tình bao vây dinh tổng thống.

 Người dân Ai Cập ăn mừng sự kiện TT Mubarak từ chức.