Phông chữ
Tại Đức, có một nơi khiến chính phủ Đức quan ngại nhưng không thể làm gì đó là thị trấn Gia-men, một trong những căn cứ quan trọng nhất của các phần tử Đức Quốc xã mới.

Người ta có thể dễ dàng bắt gặp các thanh niên đầu trọc đi lại tại đây hay những biển chỉ dẫn tới Braunau-am-Inn - nơi sinh của trùm phát xít Hít-le, trên những con đường tiến vào thị trấn. Trẻ con ở thị trấn Gia-men đều phải biết cách chào cờ kiểu Quốc xã. Còn các phần tử Đức Quốc xã mới thì ngang nhiên tập bắn súng trong những khu rừng thông.

Có tới 60% hộ dân sinh sống tại Gia-men là thành viên của đảng Tân Đức Quốc xã. Một số thành viên cực đoan của đảng Tân Đức Quốc xã còn công khai yêu cầu khách lạ tới thị trấn phải hô to khẩu hiệu “thề sẽ trung thành với Hít-le”. Cứ cách vài tháng, người dân địa phương còn tổ chức “Đại hội âm nhạc tưởng niệm Hít-le” và hô vang “Hít-le muôn năm” bên lửa trại.

Điều nguy hiểm là từ sau năm 2004, số lượng những phần tử theo Tân Đức Quốc xạ tại địa phương không ngừng tăng nhanh. Căn cứ này còn thu hút những phần tử phát xít mới từ các nước châu Âu khác tới để “hành hương” và “trao đổi kinh nghiệm”. Trái với phong cảnh tươi đẹp của một thị trấn nằm ở Đông Đức, gần biển Ban-tích, Gia-men có cơ sở vật chất và nền kinh tế lạc hậu với tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Cuối năm 2010, tỷ lệ thất nghiệp tại đây lên tới 12,7% và 2% dân số phải đi làm ăn ở nơi khác. Thực trạng này đã góp phần phổ biến và khiến số phần tử phát xít mới gia tăng nhanh chóng.

Sau thế chiến thứ II, chính phủ Đức cấm thực hiện công khai lễ chào cờ Đức Quốc xã, cấm các đảng phái tổ chức sử dụng lá cờ Đức Quốc xã. Vì vậy, đảng Tân Đức Quốc xã đã tìm cách lôi kéo người dân ở những nơi có nền kinh tế kém phát triển như thị trấn Gia-men. Tuy nhiên, theo đánh giá thì số lượng các phần tử Đức Quốc xã mới trên toàn nước Đức không nhiều và khó có khả năng bây bất ổn ở quy mô lớn.