Phông chữ
Ngày 04/02/2011, khai mạc hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu. Một trong những mục tiêu chính của hội nghị nhằm thảo luận các biện pháp nhằm củng cố Quỹ bình ổn tài chính châu Âu, cho phép Quỹ có thể can thiệp kịp thời khi cần thiết và nâng cao khả năng hỗ trợ tài chính cho các quốc gia gặp khó khăn.

Ngày 04/02/2011, tại Bruxelles, lãnh đạo 27 thành viên Liên Hiệp Châu Âu họp thượng đỉnh. Bên cạnh các chủ đề thời sự nóng bỏng như tình hình Ai Cập, Tunisia, một trong những mục tiêu chính của hội nghị thượng đỉnh lần này là thảo luận các biện pháp nhằm củng cố Quỹ bình ổn tài chính châu Âu, cho phép Quỹ có thể can thiệp kịp thời khi cần thiết và nâng cao khả năng hỗ trợ tài chính cho các quốc gia gặp khó khăn.

Ngay khi tới dự Hội nghị, thủ tướng Đức Angela Merkel đã tuyên bố, « chúng tôi sẽ thảo luận những đề nghị mà Đức và Pháp đưa ra để tiến tới một sự phối hợp chặt chẽ hơn về chính sách kinh tế bên trong khối euro ».

Theo quan điểm của Berlin, quyết tâm tăng cường kỷ luật chung về tài chính, ngân sách là cái giá phải trả để tránh những cuộc khủng hoảng mới và cũng để cho Đức chấp nhận hỗ trợ về tài chính cho các đối tác bị rơi vào khủng hoảng.

Quỹ bình ổn tài chính châu Âu được thành lập tháng 5 năm 2010 và sẽ có khả năng cung cấp ít nhất là 440 tỷ euro tín dụng. Hiện nay, trên lý thuyết, Quỹ này có 440 tỷ euro, nhưng trên thực tế thì chỉ có thể cung ứng khoảng 250 tỷ euro tín dụng, phần còn lại được lưu giữ dưới dạng bảo lãnh, qua đó cho phép các nước có thể đi huy động tài chính trên thị trường quốc tế với mức trả lãi thấp.

Trong các cuộc thảo luận riêng, giới lãnh đạo châu Âu nhận định rằng với mức cung cấp tín dụng là 250 tỷ euro thì chưa đủ, nếu như phải giúp đỡ Bồ Đào Nha và đặc biệt là Tây Ban Nha.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc nâng cao khả năng cho vay của Quỹ chỉ có thể được thực hiện nếu như các nước trong khu vực đồng euro, trước tiên là Đức và Pháp phải chấp nhận nâng cao mức bảo lãnh các khoản đi vay.

Khi chấp nhận hỗ trợ tài chính, Berlin đưa ra một loạt các điều kiện như tăng cường kỷ luật ngân sách và tiền tệ đối với các nước thành viên khối euro, các chính sách kinh tế quốc gia phải được phối hợp tốt hơn, các nước phải đề ra một số mục tiêu chung như tăng tuổi làm việc, hủy bỏ việc tính chỉ số lương theo giá cả, nâng cao sự hài hòa chính sách thuế khóa…

Một nguồn tin từ Ủy ban châu Âu cho AFP biết là các cuộc thảo luận sẽ phức tạp. Nhiều nước, trong đó có Bồ Đào Nha, tỏ thái độ dè dặt trước việc cặp Đức-Pháp áp đặt các điều kiện.

Trong khi đó, chính Ủy ban châu Âu cũng tỏ thái độ lo ngại trước việc Pháp và Đức chủ trương thúc đẩy cải cách, tăng cường phối hợp các chính sách kinh tế trong khuôn khổ liên chính phủ thay vì trong khuôn khổ cộng đồng.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu José Manuel Barroso chỉ trích các đề nghị của Pháp và Đức. Theo ông, điều này có nguy cơ làm giảm vai trò của Ủy ban châu Âu, làm xuất hiện một cơ chế thứ hai song song tồn tại trong khối đồng euro và do vậy, dẫn đến tình trạng không đồng nhất, thiếu phối hợp.