Phông chữ
http://www.planet-wissen.de/politik_geschichte/wirtschaft_und_finanzen/geschichte_der_d-mark/img/intro_dm_scheine_g.jpgNgười dân Đức vẫn giữ hơn chục tỷ đồng mác bằng tiền mặt trong nhà. Thậm chí nhiều chuyên gia kinh tế đã bắt đầu nghĩ đến khả năng trên lý thuyết của việc sử dụng lại đồng tiền riêng quốc gia thay cho euro.

Tờ “Russkaya Germanya” cho biết, sau cả chục năm chuyển sang dùng đồng tiền chung châu Âu là euro, theo tính toán của Ngân hàng Trung ương Liên bang, trong ngăn tủ, túi áo khoác cũ của người Đức vẫn còn lưu giữ 13,45 tỷ mác bằng tiền mặt. Đó là sự quyến luyến với quá khứ, tính lơ đãng hay là tư duy chiến lược? Khó khẳng định chắc chắn đâu là nguyên nhân chính.

Thực tế là trong vài năm gần đây người Đức giảm hẳn việc đổi tiền mặt đồng mác sang euro. Trong 12 tháng qua 47 chi nhanh của Ngân hàng Trung ương Liên bang chỉ đổi được 162,8 tỷ mác, chỉ bằng 1/3 so với những năm trước khủng hoảng. Vấn đề không phải do nguồn dự trữ đồng mác bằng tiền mặt sắp cạn.

Các nhà xã hội học Đức “đồng thanh” khẳng định rằng người dân nước này giữ đồng mác lại một cách có ý thức. Theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận do tổ chức Emnid tiến hành, gần một nửa (49%) dân Đức muốn quay lại dùng đồng mác như là phương tiện thanh toán duy nhất. 51% số người được hỏi không hào hứng với đồng euro, 77% người Đức cho rằng đồng tiền chung châu Âu làm giảm mức sống của họ. Chỉ có 17% số người được hỏi khẳng định bản thân họ có lợi từ việc sử dụng euro, chủ yếu là những người dưới 30 tuổi và đảng viên đảng Xanh.

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế - tài chính và những biện pháp kiên quyết để cứu đồng euro được áp dụng thì có tới 67% người Đức không tin đồng tiền này sẽ ổn định, 57% lo sợ lạm phát và không dưới 54% đánh giá mức độ tin cậy của bản thân đối vói đồng euro là “cực thấp”. Trên mặt báo và trong các cuộc chuyện trò “trà dư tửu hậu” ngày càng xuất hiện nhiều hơn tiếng hô: “Trả lại đồng mác Đức cho chúng tôi!”. Đồng tiền quốc gia cũ tự thân nó là một phần nỗi hoài niệm về thời thanh xuân của những người Đức lớn tuổi, là biểu tượng của “sự thần kỳ của nền kinh tế Đức” trong quá khứ.

Điều đáng lưu ý là các nhà kinh tế hiện nay cũng xem xét kỹ mọi khía cạnh của khả năng nước Đức từ bỏ khối liên minh tiền tệ châu Âu. Các chuyên gia về tài chính phân tích các phương hướng và cơ chế của cuộc cải cách tiền tệ mới. Họ cho rằng điều này hoàn toàn hiện thực.

Các chuyên gia Đức nhắc lại rằng chẳng có liên minh tiền tệ nào là vĩnh cửu. Từ năm 1872 đến năm 1924 từng tồn tại cái gọi là “liên minh tiền tệ các nước Xcanđinavơ” gồm Đan Mạch, Thuỵ Điển và sau đó là Na Uy. Còn Pháp, Italia, Bỉ, Hy Lạp và Thuỵ Điển trong thế kỷ 19 cũng đã không thành công trong việc lập ra một liên minh tiền tệ chung. Euro về mặt lý thuyết cũng có thể sẽ là “một sản phẩm của lịch sử”.

Người Đức có lợi gì khi quay lại dùng đồng mác? Các chuyên gia kinh tế cho biết: Trước hết, bằng việc chối bỏ đồng tiền chung, nước Đức không phải gánh trách nhiệm giúp đỡ tài chính đối với Hy Lạp và Ailen. Khoản tiền này không nhỏ - 30 tỷ euro. Hơn nữa, nếu đồng tiền mác ổn định thì Đức sẽ nhập nguyên liệu, năng lượng và hàng dân dụng rẻ hơn khi vẫn dùng đồng euro.

Dĩ nhiên, điều gì cũng có hai mặt. Một số chuyên gia Đức cho rằng việc trở lại với đồng mác là “thảm hoạ kinh tế của đất nước”, trước hết là đối với lĩnh vực xuất khẩu: Hàng hoá của Đức sẽ đắt hơn nhiều, khiến khách hàng tại các nước khác thuộc EU “bỏ chạy”. Thêm vào đó, người tiêu dùng bình dân sẽ bị tước mất phần lớn khoản tiết kiệm gửi ở các ngân hàng nước ngoài. Còn việc điều chỉnh kỹ thuật các máy ATM và in lại tiền sẽ móc túi của người đóng thuế 60 tỷ euro, bằng 2,5% GDP của Đức.

Những người phản đối khả năng “quay lại quá khứ” đưa ra lời kêu gọi: “Hãy cẩn trọng, chớ vội vàng!”.

Có lẽ nước Đức cũng chưa vội làm điều này trong thời gian trước mắt. Tuy nhiên, điều đáng suy nghĩ là không chỉ những người dân bình thường mà cả các chuyên gia cũng bàn tới việc từ bỏ đồng euro một cách nghiêm chỉnh. Hơn một năm trước đây chẳng ai có thể tiên đoán được điều đó.