Phông chữ
Đồng euro “Trên đe, dưới búa”Đồng euro hiện đang “lãnh đủ hậu quả” trong cuộc đấu tay đôi giữa đồng đôla Mỹ và đồng nhân dân tệ Trung Quốc, những đồng tiền bị cho là “đang bị thao túng để giành lợi thế xuất khẩu”.

Với tâm trạng đầy lo âu nghi ngại, Bộ trưởng Tài chính Brazil Guido Mantega chính là người đầu tiên đã lên tiếng cảnh báo về một “cuộc chiến tiền tệ” toàn cầu. Ông đã có lý khi kể từ đầu năm 2009 đến nay, đồng real của Brazil đã tăng giá hơn 33% so với đồng đôla Mỹ, trong khi đồng nhân dân tệ của Trung Quốc lại lên giá không đáng kể. Điều này khiến cho hàng hoá Brazil mất sức cạnh tranh, trở nên đắt đỏ hơn nhiều tại thị trường Mỹ so với hàng hoá Trung Quốc.

Chỉ có điều, Brazil không phải là nước đang nổi lên duy nhất bị mất sức cạnh tranh. Các nước  khác như Nam Phi và Hàn Quốc cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Một cơn bão tài chính nữa với hậu quả vô cùng thảm khốc đang ngấp nghé ở phía chân trời.

Xuất phát điểm của cơn bão tài chính này một lần nữa lại đến từ nước Mỹ. Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua, Washington đã chuyển sang thao túng tiền tệ. Trong cuộc chiến chống khủng hoảng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã theo đuổi chính sách in thêm tiền để tài trợ cho chi tiêu quốc gia và làm xói mòn giá trị của đồng USD, một đồng tiền không chỉ của riêng nước Mỹ mà còn là đồng tiền chủ đạo trên thế giới. Mặc dù biết sự ổn định của đồng USD có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của kinh tế thế giới, nhưng nước Mỹ lại có những ưu tiên khác.

Đối với Chủ tịch FED Bern Bernanke, kẻ thù nguy hiểm nhất của kinh tế Mỹ chính là giảm phát và nạn thiếu tiền mặt. Đối với Mỹ, giảm phát cũng nguy hiểm không kém lạm phát đối với Đức và Trung Quốc. Theo giới hoạch định chính sách Mỹ, tình trạng khan hiếm tiền mặt là nguyên nhân chính gây ra cuộc Đại suy thoái hồi những năm 1930. Chính vì vậy mà ông Bernanke đã nhiều lần tuyên bố rằng ông sẽ làm tất cả mọi việc để ngăn chặn giảm phát, kể cả việc “rắc tiền từ máy bay lên thẳng”. Chính vì vậy mà ông này có thêm một biệt danh nữa là “máy bay lên thẳng Ben”.

Trong cuộc chiến chống khủng hoảng, nước Mỹ đã và đang theo đuổi “chính sách đồng USD yếu có kiểm soát”. Đồng USD yếu sẽ giúp các nhà xuất khẩu Mỹ giành giật thị trường nước ngoài và qua đó tạo thêm nhiều việc làm ở trong nước. Phá giá đồng đôla vốn là mục tiêu theo đuổi của chính giới ở Mỹ, nước hiện đang vay nợ tới 14.000 tỷ USD (tương đương với GDP hàng năm).

Mặc dù về lâu về dài, xu thế mất giá của đồng USD là không có gì phải bàn cãi, nhưng năm 2011 có thể lại đầy rẫy bất ngờ: đồng USD không những không mất giá mà còn tiếp tục lên giá so với đồng euro. Nghe qua có vẻ là nghịch lý, nhưng khốn nỗi đó lại là sự thật vì điều này còn phụ thuộc vào hoạt động kinh tế của bản thân Khu vực sử dụng đồng euro và Trung Quốc.

Đồng euro hiện là đồng tiền dự trữ ngoại tệ lớn thứ hai, sau đồng đôla Mỹ, và chiếm tới 1/3 lượng dự trữ ngoại tệ toàn cầu. Cho đến năm 2008, xem ra đồng euro đang thách thức ngôi vị số 1 của đồng USD. Thế rồi, cuộc khủng hoảng nợ châu Âu đã khiến cho đồng euro trở nên ốm yếu hơn nhiều so với đồng đôla Mỹ và đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Chính vì vậy mà Chủ tịch FED Bernanke “cứ thoải mái rắc tiền từ máy bay lên thẳng” khi mà đồng euro cứ tiếp tục mất giá so với “đồng USD yếu”. Trong năm 2010, đồng euro đã mất giá tới 20% so với đồng đôla Mỹ.

Tại hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu ngày 16/12/2010, các nhà lãnh đạo châu Âu vẫn chưa biết cách làm thế nào để cứu các nước thâm hụt ngân sách nặng nề như Hy Lạp, Bồ Đào Nha và thậm chí cả Tây Ban Nha. Nếu “lâu đài xây trên cát” là liên minh tiền tệ châu Âu bị sụp đổ, đồng euro sẽ còn bị tiếp tục mất giá so với đồng USD đang bị cố tình hạ giá.  Sự tồn tại của đồng euro hiện phụ thuộc không chỉ vào sự khôn khéo và tinh thần đoàn kết của chính giới châu Âu mà còn phụ thuộc vào diễn biến kinh tế toàn cầu.  Để kiểm soát được các vấn đề tài chính, châu Âu không chỉ cần “thắt lưng buộc bụng và cải tổ cơ cấu, mà còn cần đến một nền kinh tế thế giới phát triển năng động. Chỉ thông qua phát triển năng động, Hy Lạp và Ireland mới có đủ tiền để thanh toán lãi suất của các khoản tiền cứu trợ khổng lồ.

Khốn nỗi, sự phát triển của kinh tế thế giới lại phụ thuộc vào các nước đang trỗi dậy, đặc biệt là Trung Quốc. Nếu chẳng may Trung Quốc bị chao đảo về kinh tế-chính trị, châu Âu sẽ lãnh đủ hậu quả. Chưa bao giờ số phận của “lục địa già” châu Âu lại phụ thuộc nặng nề vào số phận của “người khổng lồ” Trung Quốc như hiện nay.

Nhìn bề ngoài, đất nước có tới 1,3 tỷ dân này đang phát triển bùng nổ. Theo ước tính của Goldman Sachs, kinh tế Trung Quốc trong năm 2011 sẽ vẫn tăng trưởng xấp xỉ 10%, như try lệ tăng trưởng trung bình kể từ năm 1980 đến nay.  Thậm chí, các chuyên gia phân tích của Goldman Sachs còn cho rằng kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Mỹ vào giữa thập kỷ tới, nếu vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng hiện nay. Qua đó, đồng nhân dân tệ có cơ hội soán ngôi “đồng tiền chủ đạo” của đồng đôla Mỹ bởi vì sức mạnh kinh tế sẽ dẫn đến sức mạnh tiền tệ. Thế nhưng, Trung Quốc vẫn không chịu nâng tỷ giá đồng nhân dân tệ và hành động bị coi là “thao túng tiền tệ” này đang khiến cho nhiều nước khác như Brazil phải trả giá.
 
Thực ra, trên con đường trở thành “bá chủ thế giới về kinh tế”, Trung Quốc vẫn phải đối mặt với đầy rẫy nguy cơ. Đó là lạm phát phi mã (hơn 5% trong tháng 12/2010), “bong bóng” bất động sản ngày càng căng phồng, tình trạng mất cân đối trong quá trình phát triển cũng như giữa phát triển và bảo vệ môi trường... Chính vì vậy mà Trung Quốc đã giương cao khẩu hiệu “xã hội hài hoà” và tìm cách chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng bền vững, sử dụng công nghệ cao.

Nếu Trung Quốc thành công trong việc chuyển đổi mô hình phát triển, thế giới có thể hy vọng vào việc đồng nhân dân tệ sẽ được nâng giá dần dần và có thể bổ sung cho đồng đôla Mỹ kể từ năm 2020 để cuối cùng đoạt ngôi vị số 1 thế giới. Nếu Trung Quốc thất bại, các nhà đầu tư một lần nữa lại phải chạy trốn vào “vòng tay của vàng” và thế giới lại sa vào một cuộc khủng hoảng tài chính nữa với những hậu quả vô cùng khốc liệt.