Phông chữ
Trong lúc kinh tế Ireland lâm nguy và các nước trong Nhóm PIGS (Bồ Đào Nha, Italia, Hy Lạp, Tây Ban Nha) điêu đứng về tài chính, thì nền kinh tế Đức vẫn là điểm sáng trong bức tranh tối màu của kinh tế châu Âu và kéo châu lục này ra khỏi cơn khủng hoảng.

Mạng “Kinh tế thế giới” của Tân Hoa Xã ngày 23/11 cho biết kinh tế Đức đang phục hồi nhanh chóng, dự kiến GDP năm 2010 đạt mức tăng trưởng 3,7% và năm 2011 có thể đạt mức đỉnh cao nhất của thời kỳ trước khủng hoảng tài chính-kinh tế thế giới. chỉ số DAX ngày 19/11/2010 đạt 6.843,55 điểm, cao hơn nhiều so với 3.700 hồi đầu năm 2009.

Báo cáo “Đánh giá tình hình phát triển kinh tế năm 2010” của Đức công bố ngày 10/11 cho biết sở dĩ kinh tế Đức năm 2010 có bước phát triển mạnh là do những nguyên nhân sâu đây. Một là, kim ngạch buôn bán tăng đáng kể, trong đó xuất khẩu đạt 703,2 tỉ EUR (tăng 19%) và nhập khẩu đạt 589,2 tỉ EUR (tăng 19,4%). Hai là, niềm tin đầu tư và tiêu dùng tăng lên. Điều này thể hiện qua việc kim ngạch bán lẻ trong 10 tháng đầu năm 2010 đã tăng 1,5%. Dự kiến, doanh số bán lẻ trong tháng 11 và tháng 12 - hai tháng đỉnh cao tiêu dùng trong năm - có thể đạt mức 77 tỉ EUR, mức kỉ lục trong vòn 5 năm qua. Ba là tỉ lệ thất nghiệp được kiềm chế ở mức dưới 7% và dự kiến đến năm 2011 giảm xuống chỉ còn 6,3% và năm 2012 là 6,2%. Đây là mức thấp hơn rất nhiều so với 10% trong nhiều năm trước và mức 12% của năm 2007. Bốn là thị trường nhà đất sôi động và tăng trưởng 9%. Năm là lạm phát được kiềm chế ở mức 1,2% thấp hơn so với mức quy định 2% của Khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone).

Trong nhiều năm trước đây, kinh tế Đức vốn bị  mệnh danh là “chiếc đầu tàu chậm chạp”. Năm 2006 nhờ World Cup, GDP của Đức tăng thêm 0,2- 0,3% lên mức 2,5%, mức kỉ lục so với 6 năm trước đó. Nhờ World Cup mà lần đầu tiên trong vòng 5 năm,  Đức đã tuân thủ được quy định của Eurozone là thâm hụt ngân sách không được vượt quá 3%. Một số nhà kinh tế bình luận rằng nước Đức đã lập “kỳ tích kinh tế” trong năm 2006.

Nhưng “ngày vui ngắn chẳng tày gang”. Ngay sau World Cup 2006, kinh tế Đức bắt đầu suy giảm. Tăng trưởng GDP của năm 2007 tụt xuống còn xấp xỉ 2% và trong năm 2008 tụt xuống còn 1,3% do tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu. Năm 2009,  kinh tế Đức cùng với nhiều nền kinh tế khác ở châu Âu bị suy thoái nghiêm trọng. GDP năm 2009 của Đức đã “tăng trưởng” với tỷ lệ - 4,7%.

Từ mức tăng trưởng -4,7% năm 2009, kinh tế Đức đã vọt lên tăng trưởng 3,7%, cao hơn cả năm 2006 là năm có WorldCup. Rõ ràng, đây quả là một kỳ tích kinh tế. Theo dự kiến, tăng trưởng GDP năm 2011 của Đức có thể giảm đi đôi chút, nhưng vẫn đạt từ 2,2-2,5%. So với một số nước EU đang chìm trong nợ nần và đứng trước bờ vực khủng hoảng,  kinh tế Đức quả là là một điểm trong bức tranh kinh tế khá u ám của châu Âu.

Theo mạng ““Kinh tế thế giới” của Tân Hoa Xã, kinh tế Đức đã và đang đóng vai trò “đầu tàu chủ chốt” của EU, vì vậy đây sẽ là nhân tố lôi kéo toàn bộ “con tàu kinh tế” EU vượt dốc và tiến tới phục hồi, phát triển.