Phông chữ

Đức đang bắt đầu thảo luận về việc liệu nước này có cần vũ khí hạt nhân riêng hay không trong bối cảnh lo ngại về việc Mỹ rút khỏi châu Âu.


Foto: Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: WSJ


Theo tờ Wall Street Journal ngày 27/2, cuộc xung đột Nga - Ukraine và những lo ngại về việc Mỹ rút khỏi châu Âu đang gây ra cảnh báo đến mức Đức bắt đầu xem xét về một câu hỏi từng được coi là không thể tưởng tượng được: Liệu nước này có cần sở hữu vũ khí hạt nhân riêng không?

Trong những tuần gần đây, các quan chức Đức đã kêu gọi Pháp và Anh - hai cường quốc hạt nhân của châu Âu - hợp tác với Berlin để phát triển một kế hoạch dự phòng về răn đe hạt nhân cho NATO, nếu Mỹ không còn sẵn sàng thực hiện vai trò đó nữa.

Một số chính trị gia và học giả thậm chí còn đi xa hơn khi đặt câu hỏi liệu một ngày nào đó Đức có cần đến kho vũ khí nguyên tử riêng hay không.

Đức không phải là quốc gia duy nhất mà các nhà hoạch định chính sách đang cân nhắc hậu quả của việc phổ biến vũ khí hạt nhân, khi một số cường quốc hạt nhân lâu đời mở rộng kho vũ khí.
Nhưng ở Đức, quốc gia đã theo đuổi chủ nghĩa hòa bình kể từ thất bại trong Thế chiến thứ hai và đã từ bỏ cả năng lượng hạt nhân lẫn bom nguyên tử, cuộc tranh luận đặc biệt gay gắt.

Cuộc thảo luận đã nổ ra trước công chúng vào đầu tháng này khi Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner phản ứng với những bình luận từ ứng cử viên tổng thống Mỹ Donald Trump, cho biết rằng nếu ông tái đắc cử, Washington sẽ không hỗ trợ các đồng minh NATO nào không đáp ứng đủ 2% GDP cho quốc phòng.

Bộ trưởng Lindner đã bày tỏ quan ngại khi đặt câu hỏi trong một bài báo đăng trên truyền thông Đức: “Liệu trong những điều kiện chính trị và tài chính nào thì Pháp và Anh sẽ sẵn sàng duy trì và mở rộng năng lực chiến lược vì an ninh chung của châu Âu? Và ngược lại, chúng ta sẵn sàng đóng góp bao nhiêu?".

Kể từ khi kết thúc Thế chiến thứ hai, Đức đã duy trì lập trường hòa bình và tuyên bố từ bỏ vũ khí hạt nhân và gần đây hơn là năng lượng hạt nhân.

Đức bắt đầu đóng cửa ba lò phản ứng hạt nhân cuối cùng vào tháng 4 năm ngoái trong bối cảnh thúc đẩy năng lượng sạch. Tuy nhiên, khi không có các nhà máy này, Đức hiện chủ yếu dựa vào than và khí đốt tự nhiên để cung cấp điện cho nền kinh tế.

Bộ trưởng Môi trường Đức Steffi Lemke cho biết vào thời điểm đó: “Năng lượng hạt nhân cung cấp điện cho ba thế hệ, nhưng di sản của nó vẫn nguy hiểm cho 30.000 thế hệ”.

Một số chính trị gia khác cũng đã kêu gọi Đức tìm kiếm một biện pháp răn đe hạt nhân châu Âu độc lập với Mỹ.

Các quan chức cấp cao của chính phủ cho biết Thủ tướng Olaf Scholz, cũng như Ngoại trưởng Annalena Baerbock và Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius, vẫn hoài nghi về triển vọng tăng cường hợp tác hạt nhân với Pháp và Anh cũng như tính hữu ích của cách tiếp cận như vậy.

Các quan chức Đức nói rằng quan điểm chung của các nhà lãnh đạo hàng đầu này là trong khi cảnh báo hạt nhân tiềm tàng từ Nga ngày càng gia tăng, việc dựa vào chiến lược răn đe hạt nhân hiện tại của NATO và đầu tư ồ ạt vào các hệ thống phòng không tốt hơn là phản ứng tốt nhất hiện nay.

Tuy nhiên, nội dung của các cuộc thảo luận ở Berlin đã khác xa so với 4 năm trước, khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mời Đức và các chính phủ châu Âu khác thảo luận về cách Paris có thể mở rộng "chiếc ô" hạt nhân của mình tới toàn bộ NATO để đổi lấy việc giúp chi trả cho việc phát triển vũ khí hạt nhân.

Trong khi Đức không có vũ khí hạt nhân, theo thỏa thuận chia sẻ hạt nhân của NATO, các máy bay chiến đấu của Đức được trang bị để phóng vũ khí hạt nhân của Mỹ đồn trú tại Đức. Nhưng quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ chỉ thuộc về Mỹ.

Đức từ lâu đã giữ quan điểm rằng khả năng răn đe hạt nhân của NATO nên tập trung vào những vũ khí đó của Mỹ, vì lo ngại rằng bất kỳ động thái nào nhằm đưa Đức dưới sự bảo trợ hạt nhân của Pháp có thể khuyến khích Mỹ giảm hiện diện quân sự ở châu Âu.

Khi ông Trump đặt câu hỏi về nguyên tắc sáng lập của NATO rằng bất kỳ cuộc tấn công nào vào một thành viên đều là tấn công vào tất cả, các nhà hoạch định chính sách Đức cho biết nước này dễ bị tổn thương hơn Pháp hoặc Anh. Dù ông Trump có tái đắc cử hay không, một số lo ngại việc Mỹ rút khỏi châu Âu là điều không thể tránh khỏi.

Nhà khoa học chính trị người Đức Maximilian Terhalle lập luận rằng Đức nên đề nghị mua khoảng 1.000 đầu đạn hạt nhân chiến lược hiện không hoạt động từ Mỹ.

Những vũ khí trên sau đó sẽ được kết hợp với kho vũ khí của Pháp và Anh để tạo thành một kho dự trữ khoảng 1.550 đầu đạn – nhiều hơn đáng kể so với số lượng mà Pháp và Anh hiện có. Lực lượng đó sẽ được triển khai trên toàn lãnh thổ NATO với kế hoạch sử dụng đã được thống nhất trong trường hợp xuất hiện mối đe dọa từ bên ngoài.

Tuy nhiên, có một số trở ngại pháp lý, thực tế và chính trị lớn đối với việc Đức trở thành một cường quốc hạt nhân. Berlin từ bỏ vũ khí hạt nhân theo Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, một cam kết được tái khẳng định trong thỏa thuận tháng 9/1990 với Mỹ, Anh, Pháp và Liên Xô mở đường cho sự thống nhất nước Đức.

Vũ Thanh/Báo Tin tức