Phông chữ

Bộ trưởng Tài chính Đức cho rằng AMLA “sẽ đưa cuộc chiến chống rửa tiền lên một tầm cao mới,” trong khi Thủ tướng Đức nhận định Frankfurt sẽ được củng cố hơn nữa như một trung tâm tài chính ở châu Âu.


Foto: Trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ở Frankfurt am Main (Đức). (Ảnh minh họa: AFP/TTXVN)


Ngày 22/2, Hội đồng châu Âu (EC) và Nghị viên châu Âu (EP) đã đạt được thỏa thuận về việc chọn thành phố Frankfurt của Đức làm nơi đặt trụ sở của Cơ quan Chống Rửa tiền của EU (AMLA).

Bỉ, nước đang giữ chức Chủ tịch Luân phiên Liên minh châu Âu (EU), cho biết việc thành lập AMLA sẽ thúc đẩy cuộc chiến chống các hoạt động tài chính bất hợp pháp.

AMLA sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc chống lại các hoạt động tài chính bất hợp pháp, rửa tiền và tài trợ khủng bố tại EU. Cơ quan này có hơn 400 nhân viên và sẽ bắt đầu hoạt động vào giữa năm 2025.

Theo tuyên bố của EP, AMLA sẽ tiến hành giám sát các tổ chức tài chính rủi ro nhất, giám sát khu vực phi tài chính và đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn các hành vi né tránh các biện pháp trừng phạt tài chính.

Phát biểu họp báo, Ủy viên châu Âu phụ trách các dịch vụ tài chính, bà Mairead McGuinness cho biết AMLA sẽ giám sát chặt chẽ các giao dịch thanh toán tiền mặt với số tiền lên đến 10.000 euro tại EU và giải quyết các rủi ro liên quan đến tiền điện tử.

Việc chọn Frankfurt làm trụ sở của AMLA đánh dấu lần đầu tiên EC và EP thống nhất trong việc lựa chọn một thành phố làm nơi đặt trụ sở cơ quan mới của EU trên cơ sở bình đẳng.

Tám quốc gia thành viên khác của EU đã nộp đơn xin đặt trụ sở AMLA bao gồm Bỉ (Brussels), Ireland (Dublin), Tây Ban Nha (Madrid), Pháp (Paris), Italy (Rome), Latvia (Riga), Litva (Vilnius) và Áo (Vienna).

Frankfurt giành được nhiều phiếu bầu nhất, tiếp sau là Madrid và Paris.

Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cho rằng AMLA “sẽ đưa cuộc chiến chống rửa tiền lên một tầm cao mới,” trong khi Thủ tướng Olaf Scholz nhận định Frankfurt sẽ được củng cố hơn nữa như một trung tâm tài chính ở châu Âu.

Việc thành lập AMLA là một phần trong gói các dự luật rộng hơn nhằm cải cách khuôn khổ của EU về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.

EP và EC đã tạm thời nhất trí về toàn bộ gói các dự luật trên, tuy nhiên trước khi trở thành luật, hai cơ quan này vẫn cần phải chính thức thông qua. EP dự kiến sẽ bỏ phiếu phê duyệt lần cuối từ ngày 22-25/4 tới.

Trước đây, do thiếu một cơ quan có thẩm quyền của EU để kiểm soát dòng tiền bất hợp pháp, khối này đã phải dựa vào các cơ quan quản lý quốc gia để thực thi các quy định, tuy nhiên các quốc gia thành viên không phải lúc nào cũng hợp tác đầy đủ trong vấn đề này./.


(TTXVN/Vietnam+)