Phông chữ

Không chỉ là đối tác thương mại quan trọng nhất, Trung Quốc còn tiếp tục là quốc gia cung cấp sản phẩm, hàng hóa lớn nhất của Đức trong năm 2023.


Foto: Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Đức. (Ảnh: Reuters)


Theo số liệu từ Cơ quan thống kê liên bang Đức (Destatis), Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Đức trong năm 2023.

Đây đã là lần thứ 8 liên tiếp Trung Quốc đứng đầu danh sách các đối tác thương mại lớn nhất của nền kinh tế đầu tàu châu Âu.

Theo Destatis, năm 2023, khối lượng trao đổi thương mại giữa Đức và Trung Quốc đạt khoảng 253 tỷ euro (khoảng 270,73 tỷ USD). Trong đó, giá trị hàng hóa Đức nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 155,7 tỷ euro, giảm 19,2% so với năm 2022. Giá trị hàng hóa Đức xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 97,3 tỷ euro, giảm 8,8%.

Thâm hụt thương mại của Đức so với Trung Quốc vẫn ở mức rất cao là 58,4 tỷ euro, chỉ thấp hơn mức thâm hụt kỷ lục 86,1 tỷ euro vào năm 2022.

Đối tác thương mại lớn thứ hai của Đức là Mỹ với tổng khối lượng trao đổi đạt 252,3 tỷ euro, thấp hơn chỉ 0,7 tỷ euro so với trao đổi thương mại với Trung Quốc.

Theo chuyên gia Volker Treier từ Hiệp hội các Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (DIHK), nếu sự phát triển thương mại tiếp tục diễn ra như năm 2023, Mỹ sẽ vượt qua Trung Quốc để trở thành đối tác thương mại quan trọng nhất của Đức muộn nhất là vào năm 2025.

Hiện tại, không có dấu hiệu nào cho thấy nhu cầu của Trung Quốc về các sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Đức sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.

Quốc gia láng giềng Hà Lan là đối tác thương mại lớn thứ ba của Đức, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 214,8 tỷ euro.

Không chỉ là đối tác thương mại quan trọng nhất, Trung Quốc còn tiếp tục là quốc gia cung cấp sản phẩm, hàng hóa lớn nhất của Đức trong năm 2023.

Ở vị trí thứ hai và thứ ba trong số các quốc gia cung cấp hàng hóa lớn nhất của Đức là Hà Lan (103,3 tỷ euro) và Mỹ (94,4 tỷ euro).

Ở chiều ngược lại, Mỹ tiếp tục là khách hàng quan trọng nhất của hàng xuất khẩu Đức.

Năm 2023, Mỹ nhập khẩu 157,9 tỷ euro hàng hóa từ Đức, tăng 1,1% so với năm 2022. Do đó, Đức đạt thặng dư 63,5 tỷ euro so với Mỹ trong quan hệ thương mại song phương.

Vị trí thứ hai và thứ ba trong danh sách các quốc gia nhập khẩu hàng hóa Đức lớn nhất là Pháp (116,8 tỷ euro) và Hà Lan (111,5 tỷ euro).

Về quan hệ thương mại Đức-Nga, năm 2023, cuộc chiến tại Ukraine và các lệnh trừng phạt chống lại Nga tiếp tục tác động xấu tới mối quan hệ này.

Giá trị hàng hóa Đức xuất khẩu sang Nga giảm 38,8%, xuống còn 8,9 tỷ euro so với năm 2022.

Trong bảng xếp hạng các quốc gia nhập khẩu quan trọng nhất đối với hàng xuất khẩu của Đức, vị trí của Nga đã giảm từ thứ 23 xuống thứ 32 so với năm trước.

Về nhập khẩu, mức giảm thậm chí còn lớn hơn. Năm 2023, Đức chỉ nhập khẩu 3,7 tỷ euro hàng hóa từ Nga, giảm 90% so với năm 2022.

Tổng cộng, năm 2023, nền kinh tế đầu tàu châu Âu đã xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá 1.562,4 tỷ euro (giảm 2% so với năm 2022) và nhập khẩu 1.352,8 tỷ euro (giảm 10,1%).

Như vậy, Đức đạt thặng dư thương mại tổng cộng 209,6 tỷ euro trong năm 2023.

Ngành công nghiệp ôtô Đức tiếp tục giữ vị trí ngành xuất khẩu lớn nhất của nước này. Năm 2023, ngành công nghiệp ôtô Đức đã xuất khẩu lượng phương tiện và phụ tùng trị giá 268,2 tỷ euro, tăng 8,9% so với năm 2022.

Các vị trí tiếp theo trong danh sách ngành xuất khẩu lớn nhất của Đức là ngành sản xuất máy móc (giá trị xuất khẩu đạt 223,1 tỷ euro) và hóa chất (140,7 tỷ euro)./.


(TTXVN/Vietnam+)