Phông chữ

Cải cách tài chính EU đi về đâu?Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) vẫn còn chia rẽ sâu sắc về những vấn đề cốt yếu nhất của đề xuất cải cách tài chính mà Uỷ ban châu Âu (EC) đưa ra hồi cuối tháng trước.


Cuối tháng 9/2010, EC đã đưa ra 6 dự luật cải cách đồng euro, trong đó đề ra các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn đối với các nước thành viên phá vỡ cam kết về thâm hụt ngân sách và nợ nhà nước; đề xuất các giải pháp phối hợp mới về kinh tế vĩ mô nhằm tránh xảy ra tình trạng mất thăng bằng gây hại cho các nước EU và đồng bộ hoá cách thức các nước thành viên xây dựng kế hoạch chi tiêu ngân sách. EC hy vọng các đề xuất này sẽ trở thành luật vào mùa Hè 2011 – một thời hạn được cho là đầy tham vọng ngay cả đối với các uỷ viên của uỷ ban này.

Cho tới nay, các cuộc thảo luận về những đề xuất trên chủ yếu diễn ra giữa các bộ trưởng tài chính, hoặc trong nhóm 16 nước sử dụng đồng euro hoặc trong nhóm chuyên trách của 27 quốc gia thành viên EU. Nhìn chung các vị bộ trưởng tài chính ủng hộ việc siết chặt quy định, bởi dựa vào đó họ có cớ từ chối đề nghị nới lỏng chi tiêu của các thành viên khác trong chính phủ. Tuy nhiên, các lãnh đạo nhà nước ở EU lại không thống nhất về mục tiêu này.

Về cơ bản các nước EU chia thành hai nhóm. Một nhóm do Đức dẫn đầu muốn siết chặt quy định và thiết lập cơ chế trừng phạt tự động đối với các nước vô kỷ luật. Nhóm thứ hai do Pháp đứng đầu, chủ yếu là các nước Nam Âu, muốn được thoải mái hơn trong việc vận dụng chính sách hợp tác kinh tế, trong đó đòi hỏi sự tham gia nhiều hơn của các nước có thặng dư ngân sách.

Trong khi nhóm của Pháp khá lỏng lẻo, với các thành viên như Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha đang bị “soi” về vấn đề nợ ngân sách nên tiếng nói không có nhiều trọng lượng, nhóm của Đức có sự hợp tác chặt chẽ hơn. Áo và Hà Lan đều nhất trí cần có các chế tài và biện pháp trừng phạt khắt khe về ngân sách. Các nước Bắc Âu, kể cả hai nước không sử dụng đồng euro là Thuỵ Điển và Đan Mạch, cũng đã áp dụng chương trình tiết kiệm khắc khổ.
 
Tuy nhiên, bên trong nhóm của Đức cũng không gắn bó như vẻ bề ngoài. Các nước ngoài Eurozone chấp nhận bị siết chặt quy định và thậm chí cả trừng phạt tài chính. Nhưng họ cũng không muốn EU bị chia thành 2 nhóm, nơi các thành viên Eurozone có sự hợp tác chặt chẽ về chính sách kinh tế trong khi các thành viên khác bị gạt ra rìa. Trong khi đó Hiệp ước Lisbon chỉ cho phép cải cách trong Eurozone mà không mở rộng ra các nước bên ngoài. Một số nước Trung Âu đang thầm hy vọng cuộc tranh cãi về cải cách sẽ kéo dài để họ có thể gia nhập Eurozone. Một số nước EU khác có đặc thù riêng như Anh cũng gây khó dễ cho những nỗ lực cải cách tài chính khu vực.
    
Một trong những bất đồng sâu sắc khác liên quan đến đề xuất thiết lập một cơ chế giải quyết khủng hoảng vĩnh viễn. EC đã loại bỏ đề xuất này khỏi gói dự luật cải cách vừa qua và chỉ quan tâm tới các biện pháp có thể thực hiện mà không cần phải sửa đổi Hiệp ước Lisbon. Cũng giống như Pháp, EC cho rằng trước hết cần chờ xem Thoả thuận ổn định tài chính châu Âu (EFSF) trị giá 440 tỷ euro hiệu quả ra sao trước khi bàn đến các cơ chế mới. Trong khi đó, Đức muốn cải cách phải được thực thi gấp rút và không muốn kéo dài EFSF sau năm 2013. Đức cũng chỉ chấp nhận thành lập một quỹ cứu trợ thường trực, nếu kèm theo một cơ chế phá sản đối với các nước không trả được nợ. Một quan chức bộ tài chính Đức nói: "Nếu không có một cơ chế giải quyết, chúng ta sẽ phải cứu trợ triền miên và không khuyến khích được các nước thực hiện chính sách tài khoá có trách nhiệm".

Nếu không nhận thức được tính cấp bách của các đề xuất nói trên, Pháp và Đức khó có thể đạt được sự đồng thuận để khiến cho toàn bộ các thành viên EU ủng hộ gói đề xuất cải cách tài chính nói trên và không thể ngăn chặn EU trượt từ cuộc khủng hoảng này sang cuộc khủng hoảng khác.