Phông chữ

Động thái của Đức phản ánh nỗ lực rộng hơn ở phương Tây nhằm giảm sự phụ thuộc chiến lược vào Trung Quốc, trước những lo ngại về ảnh hưởng của quốc gia này ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.


Foto: Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck. (Nguồn: EPA-EFE)


Theo một tài liệu của Bộ Kinh tế Đức mà hãng tin Reuters tiếp cận được ngày 20/8, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck muốn thắt chặt quy trình xem xét các dự án đầu tư nước ngoài bằng một luật mới nhằm tăng cường an ninh kinh tế của Đức.

Nỗ lực trên được đưa ra trong bối cảnh Đức đang kêu gọi các công ty giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc và Chính phủ Đức xem xét liệu các quy định hiện hành có đủ để khuyến khích điều này hay không.

Động thái của Đức cũng phản ánh nỗ lực rộng hơn ở phương Tây nhằm giảm sự phụ thuộc chiến lược vào Trung Quốc - điều mà các nhà hoạch định chính sách gọi là "giảm bớt  rủi ro" - trước những lo ngại về ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và về khả năng gián đoạn chuỗi cung ứng rộng lớn hơn.

Đức đôi khi được xem là một "mắt xích yếu" trong cách tiếp cận của phương Tây đối với Trung Quốc, do mối quan hệ kinh doanh chặt chẽ của Đức với đối tác thương mại lớn nhất của nước này. Chẳng hạn, Chính phủ Đức đã phê duyệt cho phép Tập đoàn vận tải biển Trung Quốc (Cosco) mua cổ phần tại một cảng hàng hóa ở Hamburg, cảng lớn nhất của nước này.

Tài liệu trên nhận định việc đánh giá đầu tư ngày càng có ý nghĩa quan trọng ở Đức, châu Âu và quốc tế trong những năm gần đây.

Theo dự luật đang được xem xét, các khoản đầu tư sẽ được kiểm toán, trong đó nhà đầu tư có quyền tiếp cận hàng hóa hoặc công nghệ của công ty trong nước thông qua các thỏa thuận trong hợp đồng, thay vì thông qua việc mua lại cổ phiếu có quyền biểu quyết - vốn đã là đối tượng chịu sự kiểm soát theo quy định.

Ngoài ra, Bộ Kinh tế Đức cũng đang xem xét kiểm tra khía cạnh an ninh của các nhà máy mới do các công ty nước ngoài xây dựng ở Đức, cũng như liệu các thỏa thuận hợp tác nghiên cứu quan trọng liên quan vấn đề an ninh có cần được xem xét kỹ lưỡng hay không./.

Khánh Ly (TTXVN/Vietnam+)