Phông chữ

Các tổ chức công đoàn và giới chủ tại Đức đã đạt được thỏa thuận chi trả thêm không tính thuế 3.000 euro, được thực hiện theo nhiều bước, trong đó 1.240 euro sẽ được chi trả ngay trong tháng 6 tới.


Foto: Nhân viên tham gia đình công yêu cầu tăng lương tại sân bay Frankfurt, miền tây nước Đức, ngày 17/2/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)


Khoảng 2,5 triệu người lao động ở khu vực công tại Đức sẽ nhận được mức thu nhập cao hơn trong bối cảnh lạm phát cao hiện nay.

Chính quyền liên bang, địa phương và các tổ chức công đoàn của Đức đã nhất trí về vấn đề này tối 22/4 sau các cuộc đàm phán kéo dài nhiều giờ ở Potsdam, theo đó sẽ tránh được các cuộc đình công trong thời gian tới.

Theo thông báo của các tổ chức công đoàn và giới chủ, hai bên đã đạt được thoả thuận về việc chi trả thêm không tính thuế lên tới 3.000 euro (3.330 USD), được thực hiện theo nhiều bước, trong đó 1.240 euro sẽ được chi trả ngay trong tháng 6 tới, tiếp đó sẽ tăng thêm 220 euro/tháng từ tháng 7/2023 đến tháng 2/2024.

Từ tháng 3/2024, mức tăng cơ bản là 200 euro và sau đó thêm 5,5%, theo đó lương hằng tháng sẽ được tăng thêm ít nhất 340 euro. Thời hạn của thoả thuận này kéo dài 24 tháng.

Bộ trưởng Nội vụ liên bang Đức Nancy Faeser coi thoả thuận trên là tốt đẹp và công bằng trong thời điểm còn nhiều khó khăn hiện nay.

Nếu thỏa thuận thương lượng tập thể nêu trên cũng được áp dụng cho giới công chức, chi phí mà Chính phủ liên bang phải bỏ ra sẽ lên tới 4,95 tỷ euro. Thoả thuận nêu trên cũng đặt các địa phương ở Đức trước nhiều thách thức về vấn đề ngân sách.

Các tổ chức công đoàn và giới chủ ở Đức đã tiến hành thảo luận về biểu lương trong nhiều tháng qua.

Do không đạt được nhất trí trong các phiên đàm phán, các công đoàn đã kêu gọi người lao động tiến hành nhiều cuộc đình công trên cả nước.

Cuối tháng 3 vừa qua, nghiệp đoàn Ver.di cùng với các nghiệp đoàn đường sắt và vận tải đã tiến hành cuộc đình công quy mô lớn, khiến giao thông đường sắt và đường hàng không trên toàn quốc bị đình trệ.

Theo hai nghiệp đoàn Ver.di và EVG, cuộc tổng đình công được tiến hành do không có tiến triển trong các cuộc thương lượng tập thể của hai nghiệp đoàn này với giới chủ.

Ver.di đang tiến hành đàm phán cho khoảng 2,5 triệu nhân viên khu vực công ở cấp liên bang và địa phương, bao gồm cả nhân viên ở bộ phận giao thông công cộng và tại các sân bay.

Nghiệp đoàn này yêu cầu tăng lương thêm 10,5% cho nhân viên, nhưng ít nhất thêm 500 euro/tháng.

Trong khi nghiệp đoàn EVG đang đàm phán cho khoảng 230.000 nhân viên làm việc tại các công ty đường sắt và xe buýt, yêu cầu tăng lương thêm 12%, nhưng ít nhất phải thêm 650 euro/tháng.

Giá tiêu dùng tại Đức đã tăng hơn mức dự báo trong tháng Hai vừa qua, với mức tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2022, trong bối cảnh áp lực chi phí vẫn không được cải thiện ngay cả khi Ngân hàng Trung ương châu Âu nỗ lực kiềm chế lạm phát bằng một loạt đợt tăng lãi suất./.

 (Vietnam+)