Phông chữ

Kết quả khảo sát của IW cho thấy cứ 5 hiệp hội công nghiệp tại quốc gia này thì khoảng 3 hiệp hội cho rằng hoạt động sản xuất trong năm 2023 sẽ giảm tốc do ảnh hưởng của giá năng lượng tăng cao.


Foto: Người dân mua sắm tại một cửa hàng ở Berlin (Đức), ngày 11/5/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)


Viện Kinh tế Đức (IW) ngày 27/12 công bố kết quả khảo sát cho thấy cứ 5 hiệp hội công nghiệp tại quốc gia này thì khoảng 3 hiệp hội cho rằng hoạt động sản xuất trong năm 2023 sẽ giảm tốc do ảnh hưởng của giá năng lượng tăng cao, trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine vẫn tiếp diễn.

Khoảng 30 trong số 49 hiệp hội tham gia khảo sát của IW cho rằng sản xuất của các doanh nghiệp thành viên sẽ giảm sút trong năm 2023, trong khi 13 hiệp hội khác lạc quan rằng sản lượng trong lĩnh vực của họ sẽ gia tăng.

Theo kết quả, gần 40 hiệp hội cho biết tình hình đối với các công ty thành viên hiện nay thậm chí còn tồi tệ hơn so với 1 năm trước, thời điểm mà nhiều người cho rằng giai đoạn tồi tệ nhất của dịch COVID-19 gần như đã trôi qua.

Với lạm phát ở mức cao kỷ lục, nhóm chuyên gia thực hiện khảo sát cho rằng nền kinh tế Đức vẫn chìm trong tình trạng u ám. Chuyên gia kinh tế Michael Groemling cho biết các doanh nghiệp cùng chung quan điểm rằng giá năng lượng sẽ không giảm trở lại mức trước khủng hoảng trong tương lai gần, tiềm ẩn rủi ro đối với triển vọng kinh tế Đức trong năm 2023.

Ông cảnh báo các công ty sử dụng nhiều năng lượng có nguy cơ rơi vào tình trạng bấp bênh, đồng thời nhấn mạnh giá năng lượng phải chăng giờ đây là một trong những yếu tố quan trọng nhất.

Nghiên cứu được tiến hành từ giữa tháng 11 đến đầu tháng 12.

Cùng ngày, hãng tin Reuters công bố một cuộc khảo sát cho thấy các công ty Đức dự đoán cuộc suy thoái kinh tế năm 2023 sẽ chỉ ở mức nhẹ, bất chấp những "cơn gió ngược" từ khủng hoảng năng lượng, tình trạng thiếu nguyên liệu thô và kinh tế toàn cầu ảm đạm.

Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Đức (BDI), ông Siegfried Russwurm nhận định hoạt động kinh tế trong quý cuối cùng của năm 2022 và đầu năm 2023 có khả năng suy giảm, song chỉ ở mức nhẹ. Theo ông Russwurm, có nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Đức đủ sức chống đỡ với những ảnh hưởng từ cuộc suy thoái vốn bắt nguồn từ việc Nga ngừng cung cấp khí đốt.

Tuy nhiên, ông Russwurm cảnh báo rằng tăng trưởng sẽ vẫn bị kiềm chế cho đến năm 2024, trong bối cảnh nhu cầu về hàng hóa suy yếu trên thế giới tác động đến nền kinh tế phụ thuộc xuất khẩu như Đức.

Hiệp hội các Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (DIHK) cho biết có nhiều dấu hiệu cho thấy sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng đã giảm dần. Chủ tịch DIHK Peter Adrian cho biết chi phí vận tải hàng hóa qua container đang dần được bình ổn, trong khi tình trạng tắc nghẽn tại các cảng quốc tế đang được tháo gỡ.

Bên cạnh đó, ông Adrian cho rằng việc Trung Quốc nới lỏng các biện pháp chống dịch COVID-19 cũng là tín hiệu tích cực cho hoạt động của chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, DIHK cảnh báo rằng giá năng lượng tăng cao và tâm lý lo ngại của người tiêu dùng vẫn phủ bóng lên triển vọng năm 2023.

Trong khi đó, Hiệp hội thợ thủ công ZDH chia sẻ họ có ít đơn đặt hàng hơn cho năm tới. Người đứng đầu ZDH Holger Schwannecke cho biết họ sẽ phải xử lý các đơn hàng tồn đọng cho đến đầu mùa Xuân năm 2023, song chưa biết thời gian còn lại của năm sẽ ra sao.

Hiệp hội Bán buôn, Ngoại thương và Dịch vụ Đức (BGA) thì cho rằng tình hình vẫn diễn biến phức tạp trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế. Theo Chủ tịch BGA Dirk Jandura, các chủ doanh nghiệp vẫn mang tâm lý khá tiêu cực, song ông tin tưởng rằng các công ty sẽ bước sang giai đoạn mới khởi sắc hơn vào đầu năm 2023.

Lạm phát tại Đức giảm nhẹ từ 11,6% trong tháng 10, xuống 11,3% trong tháng 11 do giá năng lượng giảm. Chính phủ Đức dự đoán nền kinh tế sẽ tăng trưởng 1,4% trong năm nay và giảm 0,4% trong năm 2023./.

Hoàng Châu (TTXVN/Vietnam+)