Phông chữ

Đức cần phải tăng số người nhập cư để ngăn chặn nguy cơ thiếu lao động trầm trọng làm suy giảm năng suất lao động và gây nguy hiểm cho quá trình chuyển đổi năng lượng trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất châu Âu này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân khẩu học.


Foto: Công nhân làm việc tại công trường xây dựng ở Berlin, Đức. Ảnh: AFP/ TTXVN


Phó Thủ tướng, đồng thời là Bộ trưởng Kinh tế và Khí hậu Đức Robert Habeck phát biểu tại một cuộc họp báo cho biết: “Chúng tôi có 300.000 việc làm còn trống hiện nay và dự kiến con số này sẽ tăng lên 1 triệu việc làm, thậm chí hơn thế nữa. Nếu chúng ta không thu hẹp khoảng cách đó, chúng ta sẽ thực sự giảm năng suất lao động”.

Theo ông Habeck, ngoài việc kết hợp tốt trình độ, đào tạo và khả năng đối với các gia đình và việc làm, chắc chắn Đức cũng cần thúc đẩy nhập cư trong mọi lĩnh vực, như các kỹ sư, người làm thủ công, nhân viên chăm sóc sức khỏe.

Viện Kinh tế Đức ước tính lực lượng lao động nước này sẽ giảm hơn 300.000 người trong năm nay do có nhiều lao động lớn tuổi nghỉ hưu hơn những người trẻ tuổi tham gia thị trường lao động. Con số này dự đoán sẽ tăng lên hơn 650.000 người vào năm 2029 và có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt tới 5 triệu người trong độ tuổi lao động vào năm 2030. Theo Viện Kinh tế, bất chấp đại dịch COVID-19, số lượng người Đức có việc làm đã tăng lên gần 45 triệu người trong năm 2021.

Sau nhiều thập kỷ Đức có tỷ lệ sinh thấp và nhập cư không đồng đều, lực lượng lao động ngày càng giảm đang tạo ra “một quả bom hẹn giờ về nhân khẩu học” cho hệ thống lương hưu công của Đức, mà ở đó số lượng lao động ít hơn lại phải gánh nhiệm vụ trả lương cho số người nghỉ hưu có tuổi thọ cao ngày càng nhiều.

Phương Hoa (TTXVN)