Phông chữ

Máy bay có chiều dài 67m, tốc độ tối đa 960km/giờ, trần bay 13.000m và với tầm bay 19.000km (gần nửa vòng Trái Đất), máy bay có thể đến bất kỳ điểm đến nào trên thế giới mà không cần dừng tiếp liệu.


Foto: Chuyên cơ Airbus A350 Kurt Schumacher của Đức. (Nguồn: jetphotos.com)


Chiếc "Air Force One" mới của Chính phủ Đức sẽ bay nhanh hơn và tầm bay xa hơn so với những chiếc đang được sử dụng hiện nay, song sẽ không có giường ngủ và phòng tắm riêng cho các chính trị gia Đức như các chuyên cơ đang được sử dụng.

Chiếc Airbus A350 "Kurt Schumacher" mới tinh mà Chính phủ Đức vừa tậu về sẽ làm lu mờ tất cả những chuyên cơ mà Tổng thống Frank-Walter Steinmeier, Thủ tướng Angela Merkel hay các bộ trưởng đang sử dụng.

Máy bay có chiều dài 67m, sải cáh 63m, tốc độ tối đa 960km/giờ, trần bay 13.000m và với tầm bay 19.000km (gần nửa vòng Trái Đất), máy bay có thể đến bất kỳ điểm đến nào trên thế giới mà không cần dừng nghỉ tiếp liệu.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas là người đầu tiên thử nghiệm chuyên cơ mới trong chuyến công du tới Cairo tối 10/1 và ông chỉ mất chưa đầy 4 giờ đã tới thủ đô Ai Cập mà không gặp phải bất cứ sự cố nào.

Chắc hẳn Ngoại trưởng Maas còn nhớ rõ lần bị mắc kẹt ở Mali do chuyên cơ A319 bị hỏng hồi tháng 2/2019. Sau đó chỉ 2 tháng, chiếc A340 cũng 2 lần gặp sự cố trên đường tới Mỹ khiến ông Maas bỏ lỡ một cuộc họp của Hội dồng Bảo an Liên hợp quốc.

Không chỉ ông Maas, cả Tổng thống Steinmeier, Thủ tướng Merkel và bộ trưởng trong nội các cũng từng gặp sự cố với chuyên cơ trong các chuyến công du nước ngoài.

Trước hàng loạt trục trặc liên quan tới các chuyên cơ đã quá cũ, Quốc hội Đức đã bật đèn xanh cho phép chi 1,2 tỷ euro để mua máy bay mới. Và chiếc máy bay mới được giao nhanh đến nỗi nội thất của chiếc Airbus thậm chí còn chưa được hoàn thiện.

Tuy nhiên, khác với các chuyên cơ hiện nay, giường ngủ và phòng tắm riêng sẽ không có trên máy bay mới. Khoang VIP sẽ có hai hàng ghế bành, cũng có thể gập lại để sử dụng làm giường ngủ và như vậy sẽ có không gian rộng cho các cuộc họp.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas trên máy bay mới tới Cairo (Ai Cập) (Nguồn: Photothek)

Ở giữa máy bay (giữa khoang VIP và khu ghế ngồi) có một phòng chờ tương đối lớn, có thể làm nơi hội họp cho mọi người ngay cả trong các điều kiện dịch bệnh COVID-19.

Trước khi được đưa vào sử dụng chính thức, chiếc A350 nêu trên đã trải qua quá trình thử nghiệm, trong đó có chuyến bay thẳng từ Köln tới Canberra (Australia) dài 17.000km, mất 19 giờ bay liên tục, sau đó bay tiếp tới đảo Tahiti ở Nam Thái Bình Dương, rồi quay trở lại với tổng quãng đường tương đương một vòng Trái Đất.

Máy bay được thiết kế có ghế ngồi cho 140 người, 3 phi công và ít nhất 10 tiếp viên. Theo một số thông tin, máy bay phản lực hai động cơ cũng sẽ được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa, điều rất quan trọng cho việc di chuyển đến các khu vực khủng hoảng.

Ngoài ra, máy bay còn được hòa mạng Internet và được trang bị công nghệ liên lạc mã hóa. Ngoài chiếc đã nhận mang tên Kurt Schumacher - Chủ tịch đầu tiên của SPD sau Chiến tranh thế giới thứ hai, quân đội Đức dự kiến cho tới năm 2022 sẽ nhận thêm 2 chiếc A350-900, được đặt tên lần lượt là Konrad Adenauer và Theodor Heuss./.

Mạnh Hùng (Vietnam+)