Phông chữ

Đại dịch COVID-19 đã đẩy ngành vận tải toàn cầu, đặc biệt là hàng không, rơi vào tình cảnh khó khăn chưa từng thấy với lợi nhuận lao dốc, sa thải hàng loạt nhân viên và triển vong hồi phục u ám.


Foto: Máy bay của Hãng hàng không Lufthansa cất cánh từ sân bay Berlin Tegel ở thủ đô Berlin, Đức ngày 26/5/2020. Ảnh: THX/TTXVN


Ngày 20/10, hãng hàng không Đức Lufthansa thông báo trong quý III/2020, hãng này đã thua lỗ 1,26 tỷ euro (1,49 tỷ USD) do đại dịch COVID-19. Theo phóng viên TTXVN tại Đức, con số trên đã giảm nhẹ so với khoản lỗ 1,5 tỷ euro trong quý trước đó, chủ yếu do Lufthansa đã mở rộng lịch bay trong các tháng mùa Hè cũng như giảm đáng kể chi phí vận hành. Việc hãng phải hoàn tiền vé cho khách hàng do các chuyến bay bị hủy chiếm phần lớn khoản thua lỗ trên. Lufthansa cũng cho biết nhu cầu đi lại bằng đường hàng không dự kiến sẽ vẫn ở mức thấp trong những tháng tới do đại dịch diễn biến phức tạp, nhiều nước áp đặt các hạn chế đi lại để kiểm soát tình hình. Hãng dự kiến sẽ chỉ có thể vận hành ở mức 25% công suất trong những tháng cuối năm nay so với cùng kỳ năm ngoái.

Giống như các hãng hàng không khác trên thế giới, dịch bệnh COVID-19 đã tác động nghiêm trọng tới hoạt động của Lufhansa. Vào lúc cao điểm của dịch, có tới 700/763 máy bay của hãng phải "đắp chiếu", trong khi 87.000 nhân viên phải xin cứu trợ theo chương trình làm việc ngắn hạn (Kurzarbeit) của chính phủ.

Trong số 9 tỷ euro viện trợ của chính phủ được cấp vào giữa năm nay, 6,3 tỷ euro vẫn còn khả dụng và có thể giúp Lufthansa duy trì hoạt động thanh khoản trong thời gian tới. Tuy nhiên, do dịch tiếp tục diễn biến khó lường ở nhiều nơi trên thế giới, hãng đang tiến hành “các biện pháp tái cấu trúc ở tất cả các lĩnh vực kinh doanh”, trong đó có kế hoạch giảm đội bay và cắt giảm ít nhất 27.000 việc làm.

Cùng ngày, hãng hàng không Cathay Pacific của Hong Kong (Trung Quốc) đã công bố kế hoạch tái cơ cấu, trong đó có việc cắt giảm hàng nghìn nhân viên và đóng cửa vĩnh viễn công ty con Cathay Dragon. Quyết định mới này đã kéo dài danh sách các hãng hàng không phải thu hẹp quy mô hoạt động do ảnh hưởng của đại dịch. Theo đó, Cathay Pacific sẽ cắt giảm 5.900 nhân viên, tương đương 17% nhân sự. Cùng với việc ngừng tuyển dụng và nhân viên về hưu, Cathay Pacific sẽ giảm tổng cộng 8.500 nhân sự.  Giám đốc điều hành Cathay Pacific Augustus Tang cho hay sự tác động kéo dài của đại dịch COVID-19 đối với ngành hàng không đã buộc hãng phải thực hiện kế hoạch trên để sinh tồn trong hoàn cảnh hiện nay.

Theo ông Tang, trong thời gian đại dịch bùng phát, hãng chịu thiệt hại 2 tỷ HKD/tháng (tương đương 260 triệu USD), do vậy việc thực hiện tái cơ cấu trên sẽ giúp giảm mức thiệt hại xuống còn 500 triệu HKD/tháng. Theo thống kê của Hiệp hội Vận tải hàng không thế giới (IATA), doanh thu của ngành hàng không đã giảm 80% trong 6 tháng đầu năm nay, và các hãng phải tái cơ cấu để có đủ tiền trang trải chi phí bảo trì, bảo dưỡng máy bay, phí sân bay và trả lương cho nhân viên.

Trong khi đó, Công ty Đường sắt quốc gia Canada (CN) thông báo doanh thu trong quý III năm nay giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do tác động của đại dịch. Theo đó, doanh thu trong quý vừa qua của CN ở mức 3,4 tỷ CAD (2,5 tỷ USD), thấp hơn mức 3,8 tỷ CAD của cùng kỳ năm ngoái. Do đại dịch, doanh thu trong quý II của CN cũng giảm khoảng 19%.

Cùng ngày, Cơ quan Thống kê Hàn Quốc công bố dữ liệu cho thấy lao động trẻ tại nước này là những đối tượng chịu thiệt hại nhiều nhất do đại dịch COVID-19. Theo cơ quan này, số người Hàn Quốc tham gia lực lượng lao động bắt đầu giảm vào tháng 3, đúng thời điểm bùng phát làn sóng COVID-19 đầu tiên tại nước này, và tiếp tục giảm mạnh trong tháng sau đó. Cụ thể, trong tháng 4, gần 420.000 lao động ở độ tuổi từ 15-39 tuổi tại Hàn Quốc rơi vào cảnh thất nghiệp, so với con số 195.000 người mất việc trong tháng trước đó. Trong khi đó, số lao động trong độ tuổi 40 - 50 tuổi bị mất việc là 333.000 người, ngược lại lao động ở độ tuổi từ 60 tuổi trở lên lại tăng 274.000 người.

Thực tế này tiếp tục tái diễn khi làn sóng COVID-19 thứ hai xuất hiện vào trung tuần tháng 8 vừa qua, gây xáo trộn nghiêm trọng trên thị trường việc làm sau đó. Trong tháng 9, lực lượng lao động trẻ  bị mất việc là 500.000 người, trong khi mức này ở nhóm trong độ tuổi 40 - 50 tuổi là 309.000 lao động. Tuy nhiên, thị trường việc làm Hàn Quốc lại có thêm 419.000 lao động ở độ tuổi từ 60 tuổi trở lên. Tỷ lệ thất nghiệp tại Hàn Quốc trong tháng 9 là 3,6%, tăng 0,55% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mạnh Hùng - Thanh Hương (TTXVN)