Phông chữ

Bóng ma Covid-19 đang trở lại châu Âu, nhưng nhiều chuyên gia tin rằng với chiến lược của mình, Đức có thể kiểm soát thành công làn sóng dịch thứ hai.


Foto: Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho tài xế ở Halle, phía đông Đức hồi tháng 3. Ảnh: AFP.


Số ca nhiễm mới mỗi ngày tăng trở lại trên khắp châu Âu, song tình hình Covid-19 ở Đức dường vẫn được kiểm soát tốt. Số ca nhiễm mới hàng ngày tính trên triệu dân của Đức thấp hơn bất kỳ quốc gia láng giềng nào, trong khi tỷ lệ tử vong, ngay từ khi dịch bùng phát hồi mùa xuân, luôn nằm trong nhóm thấp nhất ở Tây Âu. Tỷ lệ tử vong trên một triệu dân của Đức hiện là 0,15, trong khi Pháp và Tây Ban Nha lần lượt là 1,15 và 2,75.

Để tìm hiểu lý do Đức kiểm soát Covid-19 tốt hơn, Julia Belluz, biên tập viên của Vox, đã trao đổi với nhiều bác sĩ, quan chức y tế, các nhà nghiên cứu ở Đức và phát hiện "bí quyết thành công" của quốc gia này nằm ở 4 yếu tố, gồm may mắn, chịu khó học hỏi, phản ứng cấp địa phương và lắng nghe khoa học.

Gunter Froschl, bác sĩ y học nhiệt đới tại Đại học München và là người điều hành đơn vị xét nghiệm Covid-19 hàng đầu ở Đức, cho rằng yếu tố đầu tiên giúp họ ứng phó với Covid-19 chính là sự may mắn.

Froschl từng là người lấy mẫu xét nghiệm cho 4 trong 5 ca nhiễm nCoV đầu tiên của Đức hồi cuối tháng 1. Thời điểm đó, hôn thê của anh, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, làm việc tại Brescia, Italy, tâm dịch của đợt bùng phát đầu tiên ở châu Âu.

Hai người đã gọi điện trao đổi với nhau mỗi ngày và Froschl kết luận điều duy nhất dẫn tới sự khác biệt về tình hình dịch bệnh giữa hai nước chính là vận may, điều mà họ không thể kiểm soát. "Nước Đức của chúng tôi đã có quá nhiều may mắn", Froschl nói.

Ổ dịch Covid-19 đầu tiên ở Đức bắt nguồn từ công ty phụ tùng ô tô Webasto ở vùng München. Một nữ nhân viên người Trung Quốc, dương tính với nCoV sau chuyến về quê, đã lây nhiễm cho một số người khác khi quay lại München. Khi cô thông báo kết quả dương tính, công ty này lập tức yêu cầu toàn bộ nhân viên xét nghiệm. Nhận được thông báo của công ty, một nhân viên đã quyết định đi xét nghiệm, dù không có triệu chứng nào.

"Người này tới gặp chúng tôi và nói 'tôi bị cảm lạnh thông thường vài ngày. Tôi cảm thấy ổn nhưng một đồng nghiệp người Trung Quốc của chúng tôi đã nhiễm nCoV'", Froschl kể lại.

Việc bệnh nhân này đến khám và nói rõ tình hình với nhân viên y tế đã giúp họ có thể sớm khoanh vùng, xác định, truy vết tiếp xúc và cách ly các ca nhiễm khác. Giới chức y tế khi đó đã kịp thời kiểm soát ổ dịch này.

Một yếu tố may mắn khác là Viện Vi trùng học Bundeswehr ở München sở hữu phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp độ ba, nơi chuyên xử lý các mầm bệnh chết người, có nguy cơ lây nhiễm cao. Khi Trung Quốc công bố trình tự gene của loại virus mới hồi tháng 1, đồng nghiệp của Froschl ở viện này đã sẵn sàng triển khai xét nghiệm PCR.

Điều này đồng nghĩa München có sẵn bộ xét nghiệm PCR khi những bệnh nhân đầu tiên tới khám, giúp họ nhanh chóng xác nhận các ca nhiễm từ sớm. "Đó là may mắn, chứ không phải do chúng tôi quá thông minh", Froschl nói.

Tại Berlin, các nhà khoa học thậm chí đã tạo ra bộ xét nghiệm trước khi Trung Quốc công bố trình tự gene của nCoV. Nhưng Froschl chỉ ra nếu ca nhiễm đầu tiên xuất hiện ở nơi chuẩn bị kém hơn, kết quả có thể đã khác. Anh cho rằng khi đó Đức có lẽ đã phải đối diện kịch bản như Italy, nơi ca nhiễm không được phát hiện trong nhiều tuần và sau đó khiến hệ thống y tế quá tải.

"Tôi luôn nhấn mạnh rằng chúng tôi chỉ may mắn thôi", Froschl nói.

Tuy nhiên, chìa khóa thành công của Đức không chỉ dựa vào may mắn, mà nó còn nhờ khả năng học hỏi và phản ứng nhanh với kiến thức mới mẻ, theo Belluz. Sau khi ổ dịch Webasto được kiểm soát, Froschl và đồng nghiệp của anh đã nhanh chóng áp dụng những gì học được từ đây, như thiết lập các giao thức an toàn về xét nghiệm, cách ly và điều trị bệnh nhân Covid-19.

Ổ dịch ở nhà máy Webasto đã cho các bác sĩ và quan chức y tế cộng đồng Đức "kinh nghiệm quý giá" để đối phó với Covid-19. "Mọi thứ đã sẵn sàng. Chúng tôi đã có kinh nghiệm để xử lý và giữ bình tĩnh", Froschl nói.

Đức cũng học hỏi thêm kinh nghiệm đối phó với dịch từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khác. "Chúng tôi đã cố gắng áp dụng chiến lược của Hàn Quốc, Nhật Bản và đảo Đài Loan, những tấm gương về việc phản ứng nhanh có thể giúp giảm số ca nhiễm", Nicolai Savaskan, người đứng đầu một cơ quan y tế địa phương ở Berlin, nói.

Một trong số phản ứng nhanh của Đức là chương trình xét nghiệm rộng khắp. Cùng với việc nhanh chóng phong tỏa, Đức cũng tăng cường xét nghiệm ngay từ giai đoạn đầu của dịch và sau đó liên tục điều chỉnh chương trình để phù hợp với từng giai đoạn.

Từ tháng 5 tới nay, Đức đã tăng số xét nghiệm mỗi ngày từ 60.000 lên 160.000. Thậm chí hiện tại, Đức vẫn tiếp tục điều chỉnh chiến lược xét nghiệm này, bằng cách thêm cách xét nghiệm nhanh mới thông qua kháng nguyên, để tăng khả năng xét nghiệm chuẩn bị cho đợt bùng phát vào mùa đông.

"Họ luôn xét nghiệm nhiều người hơn mỗi khi phát hiện ca mới, điều này đồng nghĩa họ không bị phản ứng ngắt quãng", Edouard Mathieu, người phụ trách dữ liệu tại Pháp của Dự án Our World in Data thuộc Đại học Oxford, nói.

Mathieu thêm rằng điều này giúp Đức không lãng phí công sức của đợt phong tỏa sớm, khoảng thời gian họ tập trung xây dựng chương trình xét nghiệm mạnh mẽ để kiểm soát đại dịch.

Một yếu tố khác góp phần vào thành công của Đức là phản ứng với đại dịch ở cấp địa phương, dựa trên hệ thống 400 sở y tế ở 16 bang. Điều này có nghĩa chính quyền địa phương có thể hành động nhanh chóng và điều chỉnh chính sách ứng phó đại dịch theo yêu cầu và thách thức mà từng địa phương phải đối mặt.

"Cách tiếp cận phân quyền theo từng địa phương trong đối phó với đại dịch có thể là cách tốt để ứng phó với tình hình liên tục thay đổi", Savaskan nói.

Ông giải thích dù giới chức địa phương vẫn phải báo cáo tình hình dịch cho cơ quan y tế quốc gia Đức, Viện Robert Koch (RKI), họ có thể điều chỉnh chiến lược của địa phương mình tùy theo tình hình và phản ứng nhanh với bất kỳ vấn đề phát sinh nào.

Dù RKI khuyến nghị cách ly 14 ngày sau khi tiếp xúc với ca nhiễm, chính quyền Berlin cho rằng thời gian cách ly như vậy là quá dài với cư dân ở đây và quyết định áp dụng chính sách cách ly 7 ngày kết hợp với xét nghiệm.

"Chúng tôi có thể ứng dụng khuyến nghị của RKI phù hợp với nhu cầu của người dân ở từng địa phương", Savaskan cho biết.

Khi Đức mở cửa trở lại vào tháng 6, chính quyền địa phương cũng thường xuyên liên lạc với các doanh nghiệp để khuyến khích họ phối hợp truy vết tiếp xúc. "Chúng tôi có tỷ lệ truy vết tiếp xúc cao hơn 90%", Savaskan nói và thêm rằng điều này đồng nghĩa gần như mọi ca tiếp xúc với người nhiễm đều được xác định.

Cuối tháng 9, khi các ổ dịch bùng phát ở một số quán bar, câu lạc bộ đêm ở Berlin, nhiều chính trị gia Đức đã ngỏ ý muốn thảo luận cùng giới chức y tế địa phương để tìm cách kiểm soát tình hình. Tới 10/10, Berlin đã chính thức áp lệnh giới nghiêm đầu tiên trong 70 năm với các hoạt động về đêm.

Savaskan cho rằng người dân Đức đặt niềm tin vào các cơ quan y tế cộng đồng địa phương, bởi họ đưa thông tin chi tiết, sát với tình hình thực tế. "Tôi nghĩ đó chính là yếu tố tác động lớn tới thành công của chiến lược chống dịch ở Đức", ông nói.


Một nhà hàng vắng bóng khách ở Berlin tháng này. Ảnh: Reuters.

Yếu tố cuối cùng tạo nên sự khác biệt trong phản ứng của Đức trước đại dịch là quan chức chính phủ luôn lắng nghe các nhà khoa học, theo Clemens-Martin Wendtner, bác sĩ nội khoa ở München.

Từ tháng 2, Wendtner đã gửi những phát hiện mới và đánh giá chi tiết tình tình cho người đứng đầu cơ quan y tế của bang Bavaria hàng tuần. Trong suốt những tuần đầu tiên của đại dịch, trước khi tới bệnh viện, ông thường tham gia buổi họp lúc 9h sáng tại văn phòng cơ quan y tế bang để chia sẻ thông tin về đại dịch.

"Mọi thông tin chúng tôi có từ bệnh viện đều được chia sẻ với các quan chức quyết định chính sách", ông nói.

Đó là lý do Đức ra quy định đeo khẩu trang bắt buộc ở không gian công cộng trong mùa xuân và đóng cửa trường học. Đó cũng là lý do để Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn rút lại ý tưởng hộ chiếu miễn dịch Covid-19 sau khi tham vấn các nhà khoa học. "Ông ấy đã trực tiếp gọi cho tôi", Wedtner nói.

Bác sĩ Wedtner cho biết người dân Đức tin tưởng các chính trị gia bởi "họ không nói dối ngay từ đầu và đã xây dựng niềm tin" theo khoa học và không phủ nhận nó.

Thanh Tâm, VNE (Theo Vox)