Phông chữ
WB gần đây dự báo, cùng với việc mạnh tay cắt giảm tài sản xấu của các ngân hàng Âu - Mỹ và việc thực thi một số quy định mới của quốc tế cũng như các nước liên quan, quy mô ngân hàng có thể thu nhỏ, mức độ toàn cầu hoá tài chính có thể giảm sút.

Do các chính phủ phương Tây mạnh tay hơn trong việc “loại bỏ” những ngân hàng có tài sản xấu, các ngân hàng vừa và nhỏ ở châu Âu và châu Mỹ đang đứng trước làn sóng phá sản. Vì thế, mức độ toàn cầu hoá tài chính có thể sẽ bị giảm. Nhiều chuyên gia cho rằng làn sóng phá sản của các ngân hàng vừa và nhỏ trên thế giới sẽ kéo dài tới năm 2012.

Kể từ năm 2009, trên toàn cầu, trung bình 1 tuần khoảng 3 ngân hàng bị đóng cửa, tính đến cuối tuần trước, tổng cộng đã có 236 ngân hàng đóng cửa.

Lo ngại về “nợ xấu”

Báo cáo của Công ty Kiểm toán Price Waterhouse Coopers cho biết năm 2009, quy mô “nợ xấu” trong các ngân hàng vừa và nhỏ đã tăng mạnh, trong đó nợ xấu của các ngân hàng Đức đứng đầu châu Âu.

Tính đến cuối năm 2009, giá trị “nợ xấu” trong tổng tài sản của ngân hàng Đức đã tăng hơn 50% so với cùng kỳ, lên đến gần 213 tỷ Euro. Những khoản cho vay “tồi” của ngân hàng Anh tăng từ 107 tỷ euro (năm 2008) lên 155 tỷ Euro; của ngân hàng Tây Ban Nha cũng tăng từ 75,4 tỷ Euro lên 96,8 tỷ Euro và của ngân hàng Italia tăng từ 42 tỷ Euro lên 59 tỷ Euro.

Gordon, kiểm toán viên cao cấp của Ngân hàng Đức (Deutsche Bank), nhận xét nguyên nhân của thất bại dường như giống hệt nhau, đều tập trung trong lĩnh vực thương mại và bất động sản. Có tới 80-90% các khoản vay ở những ngân hàng này liên quan tới thương mại và nhà ở và có thể từ 30% đến 40% trong số đó “có vấn đề”.

Các quan chức của Ngân hàng Thế giới (WB) gần đây dự báo, cùng với việc mạnh tay cắt giảm tài sản xấu của các ngân hàng Âu - Mỹ và việc thực thi một số quy định mới của quốc tế cũng như các nước liên quan, quy mô ngân hàng có thể thu nhỏ, mức độ toàn cầu hoá tài chính có thể giảm sút.

Theo thống kê của Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS), khủng hoảng tài chính vừa qua đã khiến cho tổng tài sản ngành Ngân hàng toàn cầu giảm từ 37.400 tỷ USD vào cuối năm 2007 xuống còn 35.200 tỷ USD vào cuối năm 2008 và đến cuối tháng 6/2009 chỉ còn khoảng 34.000 tỷ USD.

Quy mô ngân hàng có thể bị thu nhỏ

Theo đại diện WB tại Bắc Kinh, Uỷ ban Giám sát Ngân hàng Basel đang đề ra phương án nâng vốn điều lệ của ngành Ngân hàng toàn cầu và yêu cầu về tính linh động trong giám sát tài chính.

Nhằm đối phó với những lỗ hổng giám sát được phơi bày trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, những quy định do Uỷ ban Basel đưa ra lần này đã bổ sung một loạt chỉ tiêu mới, như định nghĩa nghiêm túc hơn về tài sản cấp một, chỉ tiêu tỷ lệ cân bằng phản ánh rủi ro, tỷ lệ tính lưu động trong 30 ngày, xây dựng cơ chế hoà hoãn chu kỳ đảo ngược…

Trương Dĩnh, nghiên cứu viên cao cấp của Ngân hàng Trung Quốc cho rằng tính chặt chẽ của các quy định mới liên quan đến nguồn vốn do Uỷ ban Basel đưa ra sẽ mang đến những thay đổi lớn đối với môi trường ngành Ngân hàng.

Quy định giám sát càng nghiêm ngặt sẽ dẫn tới ngân hàng bị ép bảo lưu tỷ lệ vốn an toàn tối thiểu, nâng cao tỷ lệ tài sản vốn tự có an toàn và tính lưu động cao, thu nhỏ bội số cho vay; điều này khiến cho quy mô trách nhiệm tài sản của ngân hàng bị thu nhỏ rõ rệt; tỷ lệ lãi cũng bị giảm; vai trò là trung gian tài chính của ngân hàng có thể bị suy  yếu, việc tích trữ và đầu tư thông qua ngân hàng bị giảm thiểu, sự thiếu tiền mặt (ngắn hạn) buộc các ngân hàng phải điều chỉnh chính sách kinh doanh, thu nhỏ quy mô kinh doanh ở nước ngoài.

Nguyễn Chiến