Phông chữ

Berlin đang lên kế hoạch thay đổi luật pháp để quản lý các hoạt động đầu tư thâu tóm doanh nghiệp Đức từ phía Trung Quốc.


Foto: Trung Quốc đã bỏ ra 5 tỷ euro để thâu tóm tập đoàn KUKA - chuyên sản xuất chế tạo robot công nghiệp nặng của Đức, ĐấtViệt

Thời báo kinh doanh Handelsblatt của Đức dẫn nguồn thạo tin cho biết nội các của Thủ tướng Đức Angela Merkel đang có những động thái đi đến thống nhất sửa đổi điều khoản quản lý đầu tư từ các nước bên ngoài châu Âu vào các công ty chiến lược của kinh tế Đức trong Luật Thương mại Quốc tế.

Theo đó, các điều khoản này cho phép chính phủ Đức được quyền xem xét và dùng quyền chặn những thương vụ mua 10% cổ phần trở lên với các công ty quan trọng, có liên quan tới an ninh quốc gia. Luật hiện hành đang giữ mức 25% cổ phần.

Các công ty trong phạm vi áp dụng luật bao gồm các lĩnh vực năng lượng, công nghệ cao, công nghiệp nặng và lương thực thực phẩm.

Nhiều ý kiến cho rằng việc thay đổi giới hạn từ 25% xuống 10% cho thấy Đức đã có những sự đề phòng đặc biệt đối với các hoạt động đầu tư - thâu tóm từ các tập đoàn kinh tế nước ngoài nhằm vào doanh nghiệp Đức, đặc biệt là những lo ngại đến từ phía doanh nghiệp Trung Quốc.

Đây không phải là biện pháp đầu tiên của Berlin nhằm ngăn chặn những nguy cơ từ cường quốc châu Á này. Hồi tháng 9/2018, Chính phủ Đức đã đồng ý thông qua việc thành lập quỹ một quỹ trị giá 1 tỷ euro nhằm hỗ trợ phát triển các ngành công nghệ chủ chốt và giải cứu các công ty công nghệ gặp khó khăn về tài chính.

Quỹ này ra đời nhằm cứu vãn tình cảnh nhiều doanh nghiệp quan trọng, nắm giữ các công nghệ khoa học then chốt của Đức nhưng lâm vào tình trạng làm ăn khó khăn và trở nên kém đề kháng trước các cuộc thao túng từ doanh nghiệp nước ngoài.

Sở dĩ Đức có những lo ngại này bởi Trung Quốc đang dẫn đầu trong việc thâu tóm hàng loạt công ty trọng yếu của Đức. Con số thống kê chỉ ra, kết thúc năm 2016, Trung Quốc chi 10 tỷ euro để thâu tóm 58 công ty Đức.

Trong 2 năm qua, các công ty Trung Quốc đã thu mua các công ty đầu ngành ở Đức như công ty dược phẩm Biotest Pharmaceuticals và mua lại số cổ phần quan trọng của các doanh nghiệp được biết đến là biểu tượng của Berlin như ngân hàng đầu tư lớn nhất châu Âu Deutsche Bank và nhà sản xuất ô tô Daimler, chủ sở hữu thương hiệu Mercedez-Benz.

Theo nhiều chuyên gia, việc Đức đang tự đề phòng trước những nguy cơ Trung Quốc là hoàn toàn đúng đắn và kịp thời, đặc biệt trong bối cảnh quốc gia này đang dẫn đầu châu Âu theo một định hướng phát triển thoát ảnh hưởng Mỹ.

Quan điểm "cùng nhau trên hết" đã được Pháp, Đức áp dụng triệt để nhằm đối phó với tư tưởng "nước Mỹ trên hết" của ông Donald Trump. Theo đó, châu Âu đẩy mạnh các biện pháp phối hợp với các quốc gia ngoài khối EU và Mỹ, mở rộng thị trường đầu tư và xuất nhập khẩu.

Trung Quốc là một nền kinh tế lớn và là cơ hội làm ăn không thể chối từ của châu Âu. Đặc biệt trong bối cảnh EU đang gia tăng các biện pháp trừng phạt với Nga, vai trò Trung Quốc càng tỏ ra quan trọng.

Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng có những tham vọng của mình, khi muốn nhanh chóng cắt giảm những chi phí phải đầu tư cho phát triển công nghệ và sớm đạt được thành tựu bằng cách vung tiền thâu tóm các công ty công nghệ hàng đầu từ các quốc gia có nền kinh tế phát triển, mà Đức là một trong số đó.

Việc siết chặt lại các biện pháp quản lý, đề phòng rủi ro trong chiến lược đầu tư - thâu tóm của Bắc Kinh là một hành động cảnh giác cần thiết của Berlin. Đã có nhiều bài học từ việc đánh cắp chất xám, công nghệ dẫn đến thua thiệt trong khả năng cạnh tranh sản phẩm với Trung Quốc ngay tại các quốc gia có nền kinh tế phát triển.

Đức cho thấy họ đang có những sự chuẩn bị để gia tăng sức đề kháng cho chính các doanh nghiệp của mình, trước cám dỗ đầu tư từ phía các tập đoàn giàu có của Bắc Kinh.

Đỗ Tú, ĐV