Phông chữ

Tờ Deutsche Wirtschafts Nachrichten nhận định, chính sách của Đức đối với Nga dường như sẽ không thay đổi nhiều sau khi Thủ tướng Angela Merkel rời khỏi chức Chủ tịch đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU), và rút khỏi chính trường vào năm 2021.


Foto: Thủ tướng Đức Merkel “ra đi” sẽ ảnh hưởng đến quan hệ Nga-Đức như thế nào?, Infonet


Tờ báo lưu ý rằng cả ba ứng cử viên tiềm năng để thay thế người đứng đầu đảng hiện nay - Bộ trưởng Y tế Đức Jens Shpan, Tổng thư ký của CDU Annegret Kramp-Karrenbauer và cựu lãnh đạo đảng CDU/CSU tại Quốc hội (Bundestag) Friedrich Mertz – đều dự định giữ khoảng cách trong quan hệ với Moscow. Đồng thời, mỗi nhà lãnh đạo trong tương lai có thể là một người ủng hộ quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương.

Tờ báo nhắc lại rằng mỗi người trong 3 ứng viên trên đều có những phát ngôn mạnh mẽ chống lại Nga. Ứng viên Shpan kêu gọi tăng ngân sách quân sự của Đức, gây ra sự "bất an ở các nước láng giềng, bao gồm cả Nga".

Về phần mình, ứng viên Kramp-Karrenbauer cáo buộc Moscow "thường xuyên vi phạm luật pháp quốc tế ở Ukraine, gây bất ổn tình hình ở châu Âu…. Ngoài ra, Kramp-Karrenbauer thẳng thừng tuyên bố rằng các cuộc họp của nhóm G-7 sẽ diễn ra mà không cần có sự tham gia của Nga, cho đến khi Moscow thay đổi quan điểm của mình trong cuộc xung đột ở Donbass – miền đông Ukraine.

Còn ứng viên Friedrich Mertz đánh giá tích cực các biện pháp trừng phạt chống Nga, cho thấy rằng các biện pháp trừng phạt sẽ có hiệu quả trong dài hạn. Ông cũng bày tỏ quan điểm cho rằng chính sách đối ngoại đối với Moscow nên được cấu trúc theo cách “không cho phép Moscow mở rộng phạm vi ảnh hưởng”.


Thủ tướng Đức Merkel

Vào cuối tháng 10//2018, bà Merkel, người đứng đầu chính phủ Đức từ năm 2005, đã thông báo rằng bà sẽ không tranh cử chức vụ Thủ tướng Đức vào năm 2021. Ngoài ra, người đứng đầu CDU, tại đại hội đảng CDU vào tháng 12 tới ở Hamburg sẽ không chạy đua vị trí Chủ tịch đảng CDU.

Theo các chuyên gia, quyết định trên của bà Merkel chịu sự tác động đáng kể từ kết quả bầu cử bang Hessen diễn ra ngày 28/10 vừa qua, với việc đảng CDU của bà chỉ giành được 27,6% số phiếu, giảm gần 11% so với kết quả bầu cử năm 2013. Tuy nhiên, bà Merkel khẳng định sẽ tiếp tục giữ cương vị Thủ tướng Đức cho đến hết nhiệm kỳ (2021).

Uy tín chính trị của bà Merkel đã bị sụt giảm mạnh kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng người di cư ở châu Âu vào năm 2015. Quyết định mở cửa biên giới Đức của chính phủ do bà Merkel đứng đầu đã dẫn tới hệ quả có hơn 1,2 triệu người di cư tràn vào nước Đức trong 3 năm qua, tạo ra nhiều xáo trộn về xã hội, cũng như đẩy nước Đức và châu Âu vào tình thế bất ổn về an ninh. Điều này được phản ánh rõ nét qua cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội liên bang Đức hồi tháng 9/2017, mà liên minh cầm quyền gồm CDU/CSU và SPD đều bị mất phiếu một cách nghiêm trọng.

Infonet, Trí Đức (Lược dịch)