Phông chữ

Trong giờ làm, người Đức nói không với việc sử dụng Facebook, còn người Việt Nam, Facebook gần như không thể thiếu trong mọi thời điểm.


Foto: Người Đức luôn hoàn hảo trong giờ giấc và nghiêm túc trong công việc 
Người Việt nghiện Face, người Đức dửng dưng

Một thống kê gây bất ngờ cho không ít người Việt đó là nước ta đang đứng thứ 7 thế giới về số người dùng Facebook với khoảng 64 triệu người tham gia trong mỗi tháng (theo công bố của Facebook tháng 7.2017). Mạng xã hội luôn có 2 mặt tích cực và tiêu cực, thế nên chúng ta sẽ không bàn quá nhiều về con số trên nếu như việc sử dụng Facebook của người Việt là hợp lý và hoàn toàn tích cực.

Thế nhưng, chúng ta sẽ phải giật mình vì thống kê “đáng báo động” hơn: trung bình 1 ngày người Việt dành 2 giờ 39 phút cho mạng xã hội (Facebook, Zalo…), tập trung ở lứa tuổi 18 – 34 (theo nghiên cứu của We Are Social Media tháng 1.2017).Đây là một con số rất đáng suy ngẫm và đặt ra câu hỏi tự vấn cho bản thân mỗi người rằng: Trong gần 3 tiếng đồng hồ đó, có bao nhiêu thời gian mà chúng ta sử dụng mạng xã hội một cách có ích?

Thực tế cho thấy, Facebook gần như là một thứ không thể thiếu trong cuộc sống sinh hoạt của đại đa số người Việt, nhất là giới trẻ hiện nay. Ăn Facebook, ngủ Facebook, làm cũng Facebook là tình trạng quá ư là quen thuộc của các bạn trẻ. Rất nhiều người trở nên lệ thuộc vào Facebook, thậm chí cứ mấy phút lại vào trang mạng này một lần như một phản xạ tự nhiên và vô thức.

Trừ những người sử dụng Facebook vì mục đích công việc ra thì hầu như giới trẻ đang lãng phí, hay nói nặng hơn là đang “ăn cắp, bớt xén” thời gian dành cho công việc để chơi Facebook. Đây là điều mà chúng ta không hề thấy ở những công dân Đức.

Ở Đức, tuyệt nhiên không có sự hiện hữu của Facebook trong giờ làm việc. Theo nhiều khảo sát thì người Đức luôn ở vị trí cuối bảng trong các quốc gia phương Tây hiện đại về việc sử dụng các mạng xã hội như Facebook, Twitter.

Người Đức làm ra làm và chơi ra chơi. Bởi vậy, thời gian mà người Đức dành cho công việc không nhiều, chỉ khoảng 35 giờ/tuần nhưng năng suất lao động được đánh giá cao nhất thế giới.

Ở chiều ngược lại - Việt Nam - có lẽ chúng ta không nên bàn quá sâu vì chắc chắn đó sẽ là một câu chuyện không mấy vui vẻ gì!

Muốn thành công, hãy học cách người Đức tắt Facebook

Nói không với Facebook trong giờ làm việc chỉ là một biểu hiện nhỏ thể hiện cho đức tính nghiêm khắc và kỷ luật của người Đức. Bởi vì ở Đức, kể cả những email có nội dung riêng tư cũng bị cấm sử dụng trong văn phòng.

Có lẽ những điều này quá nguyên tắc, máy móc và lạnh lùng, thế nhưng lại chứng minh cho một điều rằng, người Đức luôn muốn hoàn hảo trong mọi thứ, hoàn hảo trong công việc và hoàn hảo trong những cuộc vui.

Phẩm chất đó được giáo dục cho những công dân Đức ngay từ khi còn nhỏ. Chính cách giáo dục hướng tới sự hoàn hảo đã tạo ra những công dân hoàn hảo sau này, những người luôn sống nguyên tắc và không chấp nhận thỏa hiệp, dễ dãi với các sai sót.

Người Đức tôn trọng kỷ luật và theo đuổi sự hoàn hảo từ những thứ nhỏ nhất, chẳng hạn như họ luôn đúng giờ trong mọi hoàn cảnh. Đối với người Đức, đúng giờ nghĩa là đến sớm hơn 5 đến 10 phút. Việc đến trễ được xem là hành động bất lịch sự và thiếu tôn trọng người khác. Làm ăn với người Đức thì đối tác có thể tin tưởng rằng họ sẽ luôn tôn trọng kế hoạch đã đặt ra, không bao giờ thất hẹn nhưng bù lại, bạn cũng phải đúng hẹn với họ.

Nói rộng hơn thì tinh thần kỷ luật thép và chủ nghĩa hoàn hảo là một thuộc tính của dân tộc Đức và luôn đi cùng trong mọi kế hoạch công việc của họ. Nếu tinh thần ấy không được thực hiện một cách nghiêm túc thì mọi thứ đều trở nên trật nhịp. Đó cũng chính là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sự hồi sinh thần kỳ của quốc gia này, đồng thời lý giải vì sao nước Đức lại đạt được năng suất lao động vào hàng cao nhất thế giới.

Thế nên, khi chúng ta vẫn còn đang đắm đuối với chiếc smartphone, với những trang mạng xã hội và lãng phí nhiều thời gian đáng lý phải dành cho công việc thì hãy một lần nhìn sang nước Đức.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh, người từng có nhiều năm nghiên cứu và dạy học ở Đức, tác giả của cuốn sách “Nước Đức thế kỷ XIX – Cuộc cách mạng giáo dục, khoa học và công nghiệp” đã viết rằng: “Nói đến nước Đức là nói đến lao động cần cù, chân tay cũng như trí óc, là sự đúng giờ, tính chính xác, sống có nguyên tắc, kỷ luật, trật tự và vệ sinh. Tất cả đều trở thành triết lý, như ‘khuôn mẫu’. Nước Đức là xứ sở của lao động không mệt mỏi, của tư duy một cách hệ thống và đến cùng”.

Dẫn dắt sự khác nhau giữa người Việt và người Đức trong việc sử dụng Facebook không phải là câu chuyện so sánh đơn thuần mà đó còn là bài học về tính nguyên tắc, kỷ luật và chủ nghĩa hoàn hảo mà chúng ta cần học hỏi rất nhiều để có được sự thành công thần kỳ như dân tộc Đức.

Trang Phạm, 1TG