Phông chữ

Ông Schröder nhấn mạnh, rằng trái ngược với Hoa Kỳ chỉ muốn một nước Nga yếu đuối, thì châu Âu lại mong đợi vào sự thịnh vượng của Moscow bởi đây thực sự là một đối tác quan trọng của họ trong lĩnh vực kinh tế.


Foto: Cựu Thủ tướng Đức, ông Gerhard Schröder


Mới đây cựu Thủ tướng Đức, ông Gerhard Schröder đã có bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Á-Âu được tổ chức ở Verona. Ông cho biết, trái ngược với Hoa Kỳ chỉ muốn một nước Nga suy yếu, thì châu Âu đang rất quan tâm đến sự thịnh vượng của Nga.

Ông Schröder nói: "Hoa Kỳ tin rằng có thể cô lập Nga. Từ quan điểm chính trị thì điều này thật vô nghĩa, còn theo quan điểm kinh tế thì nó thật sự rất nguy hiểm".

Theo ông, Nga có tư cách là một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, do đó đơn giản là không thể chấp nhận một sự cô lập như vậy. Ông nhấn mạnh: "Tôi thấy rằng Hoa Kỳ đang mong đợi một nước Nga yếu đuối hơn nữa, còn mối quan tâm của châu Âu và Đức là muốn một nước Nga thịnh vượng, bởi hai lý do: chúng tôi cần thị trường, đặc biệt là Đức, chúng tôi cần nguồn lực cho ngành công nghiệp của mình".

Ông Schröder nói thêm rằng việc tiếp tục "gây bất ổn cho Nga" thực tế không còn ý nghĩa. Theo ông, cần hành động để đảm bảo rằng "việc trừng phạt phải nên dừng lại"

Diễn đàn Kinh tế Á-Âu đã được khai mạc tại Verona vào hôm 19/10. Trong nhiều năm, đây là địa điểm duy nhất ở EU tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Nga và châu Âu thảo luận về các vấn đề lớn tại Á-Âu.

Ông Schröder từng giữ chức Thủ tướng Đức từ năm 1998 đến 2005. Ông hiện là Chủ tịch Hội đồng cổ đông của Nord Stream AG - một liên danh do Tập đoàn Gazprom của Nga đứng đầu, đang tham gia xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt tự nhiên của Nga tới khu vực Baltic.

Hiện Chính phủ Nga đang nắm giữ hơn 50% cổ phần của Tập đoàn Rosneft. Tập đoàn này cũng nằm trong danh sách bị các nước phương Tây trừng phạt liên quan đến cái gọi là "vai trò của Nga trong cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine".

Ông có mối quan hệ thân thiết với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trước đây, Cựu Thủ tướng Đức từng nhiều lần lên án việc Liên minh châu Âu (EU) áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế chống Nga. Theo ý kiến của ông, việc duy trì các biện pháp trừng phạt chống Nga là cách tiếp cận sai lầm. Moscow là một đối tác rất quan trọng đối với EU, và là yếu tố rất cần thiết cho châu Âu trong chính sách an ninh.

Đức Dũng, Infonet