Phông chữ
Tháng 7, kinh tế thế giới chứng kiến nhiều sự kiện lớn, nhiều vấn đề lớn diễn ra ở quy mô quốc gia và khu vực.

Nhìn nhận và đánh giá các sự kiện kinh tế lớn diễn ra tại các quốc gia, các trung tâm kinh tế là điều cần thiết để xác định đặc điểm, quy luật và xu hướng vận động của kinh tế thế giới trong giai đoạn tiếp theo.

Về tổng quan, kinh tế thế giới tháng 7 vẫn vận động theo hướng tăng trưởng đan xen trì trệ cùng với việc xử lý nợ công và giảm thâm hụt ngân sách. Các sự kiện kinh tế lớn đã diễn ra tại:

Mỹ: Tháng 7 nước Mỹ đã chứng kiến những tuyên bố nổi tiếng của các nhân vật nổi tiếng.

"Nền kinh tế Mỹ đang đi đúng hướng", phát biểu mang tính chỉ đạo của Tổng thống B.Obama;

"Kinh tế Mỹ sẽ không rơi vào suy thoái kép", phát biểu mang tính trấn an của Bộ trưởng Tài chính Mỹ T. Geithner;

Kinh tế Mỹ "u ám một cách bất thường", đó là nhận xét của nhân vật "số một" của kinh tế Mỹ, Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ FED Ben Bernanke.

Kinh tế Mỹ đang có nguy cơ lâm vào tình trạng trì trệ "kiểu Nhật Bản", nhận xét của ông James Bullard - một quan chức cấp cao của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED).

Nước Mỹ vẫn kích thích kinh tế, nước Mỹ vẫn thâm hụt ngân sách (khoảng 1.000 tỷ USD), ngân hàng Mỹ vẫn phá sản (khoảng 105 ngân hàng), nước Mỹ vẫn thất nghiệp nhiều...đó là bức tranh của kinh tế Mỹ.

Có thể nói, kinh tế Mỹ hiện nay trong tình trạng "lừng chừng", tăng trưởng giảm nhưng chưa suy thoái. Kích thích kinh tế nhưng chưa giải quyết được tình trạng thất nghiệp. Thị trường chứng khoán lên xuống thất thường...Tất cả đang là phép thử lòng kiên nhẫn của người Mỹ về các chính sách kinh tế hiện nay.

Trong bối cảnh đó, Tổng thống B.Obama ký lệnh ban hành luật Tài chính mới (còn được gọi là Luật cải cách phố Wall), văn kiện kinh tế quan trọng nhất của nước Mỹ sau khủng khoảng. Có thể hiểu, với Bộ luật mới này, nước Mỹ hy vọng sẽ đưa hoạt động tài chính - ngân hàng vào "khuôn khổ", ngăn chặn khủng khoảng tái diễn.

Trung Quốc: Tháng 7 kinh tế Trung Quốc đón nhận nhiều thông tin tốt lành. Hiệu ứng tích cực từ việc nới lỏng tiền tệ của tháng 6 đã đưa kinh tế Trung Quốc phát triển "mềm mại" hơn. Các chỉ số kinh tế vĩ mô chủ chốt đều ở trạng thái hợp lý.

Theo Tổng cục Thống kê Trung Quốc, GDP quý 2/2010 của nước này tăng 10.3%, thấp hơn khá nhiều so với mức 11.9% của quý 1.  Với kết quả như vậy, GDP quý 2 được xem là tăng ở mức vừa phải so với cùng kỳ những năm trước đó, nhưng vẫn rất cao so với các nền kinh tế khác trên thế giới.

Với qui mô và tốc độ phát triển như hiện nay, nhiều dự báo cho rằng GDP của Trung Quốc trong năm 2010 sẽ tăng trưởng 9.8-10% và tiếp tục duy trì được tốc độ tăng tưởng cao trong một số năm tới trong khi đó lạm phát được duy trì ở mức hợp lý (khoảng 3%).

Một trong những thành công của Trung Quốc trong thời gian vừa qua đó là dự trữ ngoại tệ tăng ở mức kỷ lục 2.450 tỷ USD. Đây là lợi thế to lớn của Trung Quốc trong quan hệ kinh tế quốc tế trong bối cảnh đồng USD đã lên giá nhiều so với đồng Euro.

Với dự trữ ngoại tệ to lớn, Trung Quốc chủ động trong việc điều chỉnh tỷ giá đồng Nhân dân tệ, chủ động tính toán số lượng, thời gian và chủng loại hàng nhập khẩu. Chủ động tái cơ cấu kinh tế và nâng cao chất lượng hàng hoá. Điều cuối cùng muốn nói đó là nâng cao chất lượng GDP của Trung Quốc.

Hiện nay Trung Quốc có uy tín và tiếng nói tại các hội nghị và diễn đàn kinh tế quốc tế cũng như các tổ chức mà Trung Quốc tham gia (G20, BRIC, Liên hiệp quốc...).

Tuy nhiên giai đoạn 2006-2010 kinh tế Trung Quốc cũng có nhiều vấn đề đã được bộc lộ cần giải quyết một cách chủ động:  chất lượng tăng trưởng; điều hành chính sách tiền tệ, trong đó tỉ giá là vấn đề quan trọng hàng đầu; đảm bảo an sinh xã hội; chính sách về bất động sản và bảo vệ môi trường...

Châu Âu: Châu Âu là nợ công, câu nói này luôn đúng khi 3/4 trong tổng số 20 quốc gia có số nợ nhiều nhất trên thế giới thuộc Châu Âu.

Quốc gia có số nợ cao nhất là Anh với 9.150 tỉ USD, chiếm 425% so với GDP. Có quốc gia nhỏ như Ireland cũng có số nợ kỷ lục 2.320 tỉ USD và chiếm tỉ lệ kỷ lục 1.312% khi so với GDP. Trong khi đó Hy Lạp đã trở thành khâu "yếu nhất" khi bị "vi rút" nợ công tàn phá.

Tuy nhiên cũng có một Châu Âu khác đi đầu trong cắt giảm thâm hụt ngân sách. Nội dung này Châu Âu đã "ghi điểm" tại Hội nghị G20 tại Canada vào tháng 6 vừa qua.

Trong sóng gió của khủng khoảng kinh tế, trong sóng gió của khủng khoảng nợ công, nước Đức dần trở thành "thủ lĩnh", trở thành "đầu tàu" kéo EU đi lên phía trước.

Tăng trưởng xuất khẩu của Đức đạt 9,2% trong tháng 5, tỉ lệ thất nghiệp giảm, GDP có khả năng đạt 2% trở lên trong năm 2010. Đây có thể những cón số "đẹp" của nước Đức trong năm 2010.

Nhật Bản: Kinh tế Nhật Bản trong tháng 7 đã mang lại cho chúng ta nhiều hình ảnh tương phản, khó giải thích, nếu không chúng ta sẽ gọi đó là "kinh tế kiểu Nhật Bản", tại sao?

Đứng thứ hai thế giới về GDP (khoảng 3.500 tỉ USD), nhưng Nhật Bản cũng có số nợ khổng lồ gấp 2 lần GDP với khoảng 86.000 tỉ yên.

Nợ công thật nguy hiểm khi Thủ tướng Nhật Bản, Naoto Kan đã thừa nhận: “Chúng ta đang đứng trước một núi nợ khổng lồ. Tài chính công của Nhật Bản đang rơi vào tình trạng tồi tệ nhất so với bất kỳ quốc gia phát triển nào”
Tuy nhiên Nhật Bản vẫn có điểm sáng mà mọi người cần nghiên cứu, học tập, đó là trong khi các nước đang lo lắng giải quyết vấn đề đồng nội tệ lên giá ảnh hưởng đến xuất khẩu, thì Nhật Bản lại có sự khác biệt, đồng Yên vẫn lên giá trong khi xuất khẩu vẫn thặng dư trong 13 tháng liên tiếp.

Tăng trưởng xuất khẩu đạt mức kỷ lục trong 6 tháng của năm 2010, kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản đạt trên 33.000 tỷ Yên (tăng 37,9% so với cùng kỳ năm 2009).

Kinh tế thế giới vận động không ngừng và vận động  theo qui luật và có khi trái qui luật. Tăng trưởng, suy thoái, khủng khoảng luôn hiện hữu. Vấn để ở chỗ cách nhìn, cách đánh giá và các giải pháp xử lý.