Phông chữ
Giám đốc điều hành Nobert Reithofer của hãng xe BMW vẫn thường tự hào rằng, BMW là một trong những công ty đầu tiên bắt đầu cắt giảm việc làm vào năm 2007 khi dự báo trước được sự sa sút diễn ra sau đó của ngành công nghiệp ô tô toàn cầu.

* Chuyện trò trực tiếp cùng giới đầu tư


Ngày 3/8, BMW lại đưa ra một tín hiệu nữa, nhưng là một tín hiệu vui về triển vọng của kinh tế Đức, khi cho biết, lợi nhuận ròng quý 2 của hãng tăng 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Từ câu chuyện của BMW, tờ New York Tim es cho biết, kinh tế Đức đang trong giai đoạn phục hồi mạnh, trái ngược với sự ảm đạm ở phần còn lại của kinh tế châu Âu. Xuất khẩu của nền kinh tế lớn nhất khu vực châu Âu đang tăng với tốc độ mạnh mẽ, kéo theo sự gia tăng với tốc độ mạnh không kém của thị trường lao động. Tỷ lệ thất nghiệp của Đức hiện ở mức 7,6%, gần bằng mức trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu, và đã giảm mạnh từ mức 9,1% hồi tháng 1 năm nay.

Các doanh nghiệp lớn của Đức như hãng điện tử Siemens, hãng xe tải MAN hay hãng ô tô Daimler đều đang tuyển thêm nhiều công nhân làm việc theo giờ. BMW cho biết, họ đang thuê thêm 1.000 nhân viên làm việc trong các lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, mua hàng và kinh doanh.

Với số lượng việc làm tăng lên, kinh tế Đức đang vẽ nên một bức tranh đối lập với những gì diễn ra 5 năm trước đây, khi tỷ lệ thất nghiệp ở nước này lên tới 13%, với hơn 5 triệu người không công ăn việc làm. Khi đó, Đức là một quốc gia điển hình về sự kém linh hoạt của thị trường lao động.

Tuần trước, Viện Nghiên cứu kinh tế DIW có trụ sở ở Berlin dự báo, kinh tế Đức đã đạt tốc độ tăng trưởng quý 2 là 1,1% so với quý 1, cao nhất trong số 16 nước sử dụng đồng Euro (Eurozone). Số liệu chính thức về GDP quý 2 sẽ được Chính phủ Đức công bố vào giữa tháng 8 này. Năm ngoái, kinh tế Đức suy giảm 4,9%.

Nền kinh tế phục hồi mạnh ngoài dự kiến hiện nay của Đức được xem là một thông tin tốt đối với phần còn lại của châu Âu - vốn xem Đức là một thị trường xuất khẩu quan trọng. Bên cạnh đó, kinh tế Đức mạnh lên cũng đồng nghĩa với việc dân Đức đi du lịch nhiều hơn sang các nước láng giềng như Tây Ban Nha hay Hy Lạp, tạo nguồn thu quan trọng cho những quốc gia này.

Báo cáo kết quả kinh doanh của BMW, hãng xe có trụ sở ở Munich, công bố hôm 3/8 cho biết, doanh số của hãng tại Trung Quốc từ đầu năm tới nay đã tăng gấp đôi, góp phần giúp lợi nhuận ròng quý 2 tăng lên mức 834 triệu Euro (1,1 tỷ USD) từ mức 121 triệu Euro cách đây 1 năm. Doanh số của BMW ở Mỹ năm nay cũng đã tăng 6%.

Không chỉ BMW, trong mấy tuần gần đây, nhiều doanh nghiệp lớn của Đức như hãng hoá chất BASF hay ngân hàng Deutsche Bank đều công bố kết quả kinh doanh khả quan, góp phần lý giải cho sự tăng trưởng của thị trường việc làm của Đức. Tuy nhiên, thị trường việc làm của Đức khởi sắc còn xuất phát từ những thay đổi mà Chính phủ Đức đã thực hiện, cộng thêm với bài học mà các doanh nghiệp của nước này rút ra từ các cuộc khủng hoảng trước kia.

Chẳng hạn, hãng sản xuất công cụ Trumpf ở Ditzingten, miền Nam Đức, đã vượt qua suy thoái mà không phải sa thải bất kỳ một vị trí nào trong tổng số 4.000 công nhân ở Đức. Ở Mỹ, Trumpf sa thải 90 trong số 650 nhân viên.

Vậy nhờ đâu Trumpf, và rất nhiều doanh nghiệp Đức khác, hạn chế được khả năng phải sa thải nhân công? Một phần của câu trả lời là Trumpf tận dụng được chương trình hỗ trợ của Chính phủ để chỉ cắt giảm số giờ làm của công nhân, thay vì sa thải công nhân. Trong chương trình hỗ trợ này, Chính phủ Đức bù đắp cho công nhân bị giảm giờ làm một phần số tiền lương bị thiệt hại.

Tuy nhiên, tiền lương ở Đức suốt một thập kỷ qua gần như không tăng, một phần vì các công ty tăng sử dụng công nhân tạm thời trong những thời điểm nhu cầu cao. Việc Chính phủ Đức mạnh tay cắt giảm trợ cấp thất nghiệp cũng khuyến khích những người có ít kỹ năng chịu chấp nhận những công việc lương thấp.

Tuy nhiên, sự phục hồi của kinh tế Đức cũng là một vấn đề lớn trong bất đồng giữa các nhà lãnh đạo của nước này và các quốc gia khác trong khối Eurozone. Có nhiều ý kiến cho rằng, kinh tế Đức phục hồi có thể gây khó khăn cho các nền kinh tế khác trong Eurozone. Bởi lẽ, Đức xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu, một phần nhờ các doanh nghiệp Đức được tiếp cận dễ dàng hơn với vốn tín dụng so với ở các quốc gia nặng nợ.

Một số nhà kinh tế cho rằng, chính sách kinh tế của Đức đang làm căng thẳng thêm những mâu thuẫn trong khối Eurozone. “Bằng cách cắt giảm thâm hụt ngân sách và chủ trương không tăng lương để bù đắp cho sự suy giảm sức mua của đồng Euro, nước Đức đang vô hình chung khiến các quốc gia khác gặp khó trong việc lấy lại sức cạnh tranh”, tỷ phú đầu tư George Soros nhận định.

Trong nội bộ nước Đức, người ta cũng đặt ra hàng loạt câu hỏi về việc liệu sự bùng nổ của lĩnh vực xuất khẩu còn kéo dài được bao lâu, và liệu tới chừng nào, công nhân không được tăng lương của Đức sẽ lên tiếng đòi mức lương cao hơn.

“Nỗi lo thất nghiệp khiến người lao động Đức nhượng bộ. Nhưng điều này sẽ thay đổi trong vài năm tới”, chuyên gia kinh tế cao cấp Ralph Solveen thuộc ngân hàng Commerzbank ở Frankfurt phát biểu. Ngoài ra, chính các doanh nghiệp Đức giờ cũng lo ngại về việc không rõ nhu cầu của khu vực châu Á còn có thể tiếp tục bù đắp cho sự tăng trưởng chậm chạp của châu Âu trong bao lâu.