Phông chữ
Cuộc khủng hoảng nợ công đang càn quét châu Âu vẫn chưa đến hồi kết. "Gót chân Asin" của lục địa già tiếp tục lộ diện bởi tình hình tài chính công của Bỉ vừa rơi vào nghi vấn khi Iceland đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ vòng hai. Các thông tin không mong đợi này cho thấy con tàu kinh tế châu Âu chưa qua được vùng thời tiết xấu.

Nghi ngờ về khả năng Brussels không thể đáp ứng được các cam kết về tình hình tài chính công theo quy định về ngân sách của Eurozone làm dấy lên lo ngại bóng ma khủng hoảng đang ám ảnh thủ đô của châu Âu. Bản báo cáo từ Uỷ ban Giám sát Chính phủ liên bang Bỉ cho rằng, nếu không đánh thuế cao hơn hay cắt giảm chi tiêu, thâm hụt ngân sách của xứ sở Chocolate trong năm 2010 có thể chạm mức 5,2% GDP, cao hơn so với mục tiêu 4,8% đã thực sự đe doạ nỗ lực của châu Âu nhằm kéo lục địa già khỏi vũng lầy khủng hoảng. Sự lo ngại tăng nhanh khi nợ công của Bỉ đã nhanh chóng phình to kể từ khi khủng hoảng tài chính bùng nổ và vượt 100% GDP kể từ đầu năm nay. Từ một nền kinh tế giành được niềm tin mạnh từ giới đầu tư trong khu vực Eurozone, hiện nợ quốc gia của Bỉ chỉ thấp hơn Hy Lạp và Italia đang khiến các nhà đầu tư quan ngại.

Đơn thuốc điều trị căn bệnh được cho là "di sản" từ chính phủ tiền nhiệm là Bỉ phải cắt giảm 1,3 tỷ USD chi tiêu trong vài tháng tới. Song, bế tắc trong việc đàm phán thành lập một chính phủ liên minh đang hiện hữu xem ra khó mang lại một sự lạc quan cho tình hình tài chính vốn ốm yếu tại đất nước này.

Trong khi vòng xoáy nợ nần vẫn đang mở rộng sức tàn phá, nguy cơ đứng trước bờ vực sụp đổ lần hai của nền tài chính Iceland đã gây thêm cơn choáng váng mới cho các nhà lãnh đạo châu Âu. Phán quyết mới đây của Toà án tối cao Iceland đã cấm các khoản vay dựa trên ngoại tệ được xem là có thể kéo sập hệ thống ngân hàng tại vùng đất băng giá. Quyết định này nhằm ngăn chặn tình trạng các nhà băng đánh cược với ngoại tệ sẽ tước đi nguồn vốn hiếm hoi của những ngân hàng hiện đã trong tình trạng cạn kiệt tài chính. Thế nhưng, chỉ riêng 3 ngân hàng Kaupthing, Glitnir và Landsbankinn, có thể mất đến 4,3 tỉ USD, tương đương với 1/3 nền kinh tế Iceland sau bước đi của Toà án tối cao. Đây là dấu hiệu cảnh báo rằng khả năng mất tự chủ lần nữa của hệ thống tài chính Iceland không phải là viễn cảnh xa xôi.

Đến nay, sau nhiều tháng chống chọi với cơn bão nợ, những chính sách kinh tế táo bạo với nhiều gói kích thích khổng lồ từ các nền kinh tế mạnh với Đức làm đầu tàu đã giúp châu Âu dần trở lại quỹ đạo ổn định. Tuy nhiên nền kinh tế lục địa già vẫn tiềm ẩn những nguy cơ bất kỳ lúc nào cũng có thể phá hoại đà tăng trưởng chậm chạp vừa khó khăn đạt được. Sự xung đột giữa các nhóm lợi ích cũng như tính hai mặt của các chính sách… luôn tiềm ẩn những rủi ro trong canh bạc mà phần thắng, thua đang ở thế 50/50. Đơn cử, chi phí vay của khu vực này để cứu các mắt xích yếu liên tục tăng trong thời gian qua đang làm tăng nguy cơ mất thanh khoản. Trong khi đó, việc Ngân hàng trung ương châu Âu kiên trì với chính sách lãi suất thấp nhằm kích thích tăng trưởng lại có khả năng đẩy châu lục mắc bẫy khi gia tăng vay mượn sẽ khiến các ngân hàng đến gần hơn bờ vực vỡ nợ. Một điều đáng nói nữa là chính sách thắt lưng buộc bụng, được xem là con át chủ bài đưa châu Âu thoát khỏi khủng hoảng nợ lại bộc lộ yếu tố có thể đẩy các nước rơi vào trạng thái trì trệ. Thắt chặt tiêu dùng nội địa, nguồn lực để thúc đẩy hồi phục kinh tế được cho là sẽ mang lại những tác dụng phụ khá nguy hiểm, đặc biệt là có thể cướp đi nhiều việc làm ngắn hạn và trung hạn trong điều kiện tình hình thất nghiệp ở châu lục vẫn đang ở mức báo động.

Thành quả của các gói kích thích kinh tế được tung ra vào năm 2009 gần như đang bị quét sạch. Trong khi đó, nợ chính phủ của nhiều nước trong khu vực Eurozone lại chỉ đang được thu hẹp một cách dè dặt, còn nấc thang tăng trưởng kinh tế chỉ là những bước tiến ì ạch. Đây là những hệ luỵ tồi tệ mà lục địa già đang phải đối mặt. Nhiều người cho rằng châu Âu đã chạm tới đáy của khủng hoảng, nhưng chưa có ai đủ dữ liệu để khẳng định châu lục này đã thoát khỏi khó khăn để đặt chân trên con đường hồi phục.