Phông chữ
Lãnh đạo của một số tập đoàn đa quốc gia gần đây đã công khai đặt nghi vấn, có phải những chính sách và quy định mở của Trung Quốc đang khiến cho việc làm ăn của doanh nghiệp nước ngoài ở nước này thêm khó khăn hay không. Một số tập đoàn đã bắt đầu tình chuyện đầu tư sang nước khác để tránh rủi ro “đặt hết trứng vào một giỏ”

Cuối tuần qua, nhân chuyến viếng thăm chính thức của thủ tướng Đức Angela Merkel tại Bắc Kinh, trong cuộc đàm phán giữa lãnh đạo hai nước, các nhà quản trị của hai tập đoàn Đức có vốn đầu tư lớn ở Trung Quốc là Siemens và tập đoàn hóa dược phẩm BASF đã phản ánh với Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo về môi trường kinh doanh đang xuống cấp của nước này. Lời chất vấn của họ được đưa ra sau những lời phê phán tương tự của Giám đốc điều hành tập đoàn Microsoft - gần đây than phiền về cách thức nhà nước Trung Quốc thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Chủ tịch tập đoàn General Electric (Mỹ) mới đây cũng bày tỏ quan ngại về môi trường kinh doanh ở nước này.

Trong cuộc khảo sát 183 nền kinh tế tiến hành đầu tháng này, Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) thuộc Ngân hàng Thế giới đã xếp môi trường kinh doanh của Trung Quốc vào vị trí 89, tụt 3 bậc so với năm ngoái. Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Trung Quốc báo cáo kết quả cuộc khảo sát môi trường kinh doanh năm 2010 tiến hành hồi tháng 4 vừa qua lại cho thấy phần lớn các doanh nghiệp Mỹ vẫn lạc quan về Trung Quốc trong ngắn hạn và trung hạn, nhưng trong dài hạn lại tỏ ra “lo lắng rằng môi trường điều hành kinh doanh của chính quyền Trung Quốc đang trở nên ngày càng khó khăn”. Chuyện giới kinh doanh than phiền về môi trường làm ăn ở Trung Quốc không có gì mới, nhưng theo các nhà phân tích, cái mới là ở chỗ một số nhà quản trị hàng đầu của các công ty đang làm ăn ở xứ này đã bắt đầu công khai nói lên sự bất mãn của họ, một sự thay đổi quan trọng so với truyền thống tránh chọc giận các quan chức Trung Quốc.

Arthur Kroeber, Giám đốc điều hành Dragonomics - một công ty nghiên cứu kinh tế tại Bắc Kinh, nhận xét: “Việc họ xuất hiện và công khai phê phán quan chức Trung Quốc là điều cực kỳ có ý nghĩa”.

Theo các nhà quan sát, mối quan tâm lớn nhất của các công ty nước ngoài là một loạt chính sách của Trung Quốc, được nói tới như là chính sách “sáng tạo bản địa”, theo đó các doanh nghiệp hoạt động ở nước này đều bị bắt buộc phải chuyển giao cho Trung Quốc những công nghệ mới nhất của mình. Chính sách này cũng tạo thuận lợi nhiều hơn cho các doanh nghiệp bản địa Trung Quốc giành các hợp đồng kinh doanh với cơ quan chính phủ. Một doanh nghiệp nước ngoài ở đây “phải đăng ký công nghệ với Trung Quốc, nghiên cứu sáng tạo ở Trung Quốc và trong một số trường hợp, phải chế tạo tại Trung Quốc”, ông Murray King, Giám đốc điều hành Apco Worldwide, một công ty tư vấn doanh nghiệp và quan hệ công chúng, cho biết.

Do Trung Quốc thiếu hẳn cái mà các doanh nghiệp Mỹ và châu Âu coi là các biện pháp bảo vệ thích đáng quyền sở hữu trí tuệ, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài lo lắng các công ty Trung Quốc sẽ sao chép công nghệ của họ và sử dụng chúng để cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài trên thị trường toàn cầu. Các nhà phân tích kinh doanh cho biết, trong đa số trường hợp, mối lo ngại về sự xuống cấp của môi trường kinh doanh chỉ tập trung chủ yếu ở các công ty bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi việc bắt buộc chuyển giao công nghệ.

Các công ty nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ tìm thấy ở Trung Quốc một thị trường đang bùng nổ vào thời điểm Mỹ và châu Âu vẫn đang cố thoát khỏi cuộc suy thoái toàn cầu. Hãng thời trang Gap đang lên kế hoạch mở chi nhánh đầu tiên tại Trung Quốc trong năm nay, có thể tại Bắc Kinh hoặc Thượng Hải. Tập đoàn máy tính Apple hồi đầu tháng này đã khai trương một cửa hàng rộng tới 1.500 m2 ở Thượng Hải. Thị trường Trung Quốc cũng đã giúp cho tập đoàn xe hơi General Motors có được sự gia tăng doanh số mà hãng này rất cần trong những ngày điêu đứng hiện nay. Các công ty kinh doanh nhà hàng, kinh doanh hàng xa xỉ phẩm và hàng điện tử tiêu dùng đều đang phát triển mạnh tại thị trường này.

Ngược lại, các tập đoàn đa quốc gia dựa vào công nghệ - đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực viễn thông, hàng không vũ trụ, bán dẫn, dược phẩm và năng lượng thay thế - đang nhận thấy Trung Quốc ngày càng quyết đoán, ngày càng quan tâm nhiều hơn tới việc thủ đắc các bí quyết công nghệ của họ. Theo ông Murray King, các công ty này nhận thấy họ đang bị cản trở rất nhiều.

Các doanh nghiệp tài chính - ngân hàng Mỹ và châu Âu cũng đã lên tiếng than phiền về sự kiểm soát nghiêm ngặt của chính quyền Trung Quốc trong lĩnh vực này, ngay cả khi họ mở chi nhánh mới tại đây.

Thời kỳ mà nhà đầu tư được đối xử như Thượng đế ở Trung Quốc đã qua rồi

Các nhà phân tích nói, cả hai chuyển biến mới - sự cương quyết của Trung Quốc đối với các tập đoàn đa quốc gia và quyết tâm phản đối công khai của các doanh nghiệp - phản ánh sự thay đổi cán cân quyền lực khi đất nước này trở nên phồn thịnh hơn và cũng tự tin hơn. Song Hong, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Kinh tế chính trị thế giới ở Bắc Kinh, tán đồng nhận định đó. “Thời kỳ mà nhà đầu tư nước ngoài được đối xử như Thượng đế ở Trung Quốc đã qua rồi”, ông nói và thêm rằng, điều đó tất nhiên khiến cho nhiều doanh nghiệp nước ngoài giờ đây cảm thấy rằng họ không được chào đón nữa.

Tuy nhiên, theo Tân Hoa xã, trong cuộc hội kiến với phái đoàn cao cấp của chính phủ Đức cuối tuần qua, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã phản đối quan điểm đó, mà ông cho là “không đúng sự thực”. Trong một bài xã luận mới đây Tân Hoa xã cũng nói rằng, câu trả lời của Thủ tướng Ôn có thể là “không ngoại giao” nhưng là câu trả lời “hợp lý và đúng đắn” trước những mối hoài nghi đang lan rộng về môi trường kinh doanh ở Trung Quốc. Bất chấp những lời ca thán như vậy, Tân Hoa xã trích dẫn số liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc, nói rằng đầu tư nước ngoài vào nước này trong nửa đầu năm nay đã tăng 19,6% so với cùng kỳ năm ngoái.