Phông chữ
Mặc dù ngày một nhiều người dân Đức mong muốn nước này từ bỏ đồng tiền chung và trở lại dùng đồng mark, các doanh nghiệp tại nước này vẫn được hưởng lợi lớn từ đồng euro.


Thương vụ Việt Nam -  Nhiều người dân Đức đã tỏ ra rất phẫn nộ trước gánh nặng mà nước này phải đóng góp để cứu trợ Hy Lạp cũng như đồng euro nói chung. Mọi người cho rằng nên quay lại dùng đồng mark, như vậy Đức có thể tự đứng vững hơn là tiếp tục là thành viên của một liên minh tiền tệ không mấy thành công, nhất là một liên minh có những nước như Hy Lạp, Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha.
 
Tuy nhiên nếu quan sát tới việc giá cổ phiếu và doanh số từ nước ngoài của các công ty hàng đầu như BMW và Siemens, có thể hiểu được rằng nước Đức vẫn có lợi khi sử dụng đồng tiền chung ngay cả khi người dân phản đối. Giá đồng euro giảm trong năm nay đã giúp cho xuất khẩu Đức khởi sắc. Hơn nữa, việc đưa vào sử dụng đồng euro từ năm 1999 đã khiến các công ty Đức phải quen với việc hạ chi phí nhân công và trở nên có sức cạnh tranh hơn.
 
Kết quả của điều này là rõ ràng: Tỷ lệ thất nghiệp tại Đức đã giảm xuống còn 7,7%, thấp gần nhất trong 18 năm qua; chỉ số DAX, tăng hơn 4% kể từ tháng Một, là một trong những chỉ số chính của khu vực euro có mức tăng mạnh nhất trong năm nay. Deutsche Bank dự đoán kinh tế Đức sẽ tăng trưởng 2% trong năm nay, nhiều hơn Pháp, Ý hay Tây Ban Nha.
 
Những con số này càng củng cố thêm vị thế của Đức là một trụ cột ổn định của khu vực euro trong khi các chính phủ châu Âu đang phải chật vật để giữ cho khu vực khỏi rơi vào suy thoái lần nữa. Đồng euro đã tăng trở lại, một phần là nhờ kết quả tốt đẹp của kinh tế Đức. Hiện đồng tiền này đã tăng 7% so với đồng đôla kể từ khi chạm mức thấp nhất trong vòng bốn năm là 1,19 đôla vào ngày 7 tháng Sáu.
 
Trong hai mươi năm qua Đức đã phải trải qua nhiều giai đoạn khó khăn. Đầu tiên là thống nhất với Đông Đức, gây không ít phí tổn và là một cản trở đối với nền kinh tế chung. Sau đó là việc đưa vào sử dụng đồng euro. Dùng đồng tiền chung khiến các chính phủ không thể giảm giá đồng tiền để thúc đẩy tăng trưởng, Đức phải đẩy chi phí lao động xuống để tăng cường khả năng sản xuất và lấy lại sức cạnh tranh. Trong khi đó một số nước khác, như Tây Ban Nha và Hy Lạp, lại lựa chọn con đường chấp nhận tăng lương cho lực lượng lao động nhằm kích thích kinh tế.
 
Kết quả đã càng giúp Đức nới rộng khoảng cách lợi thế đối với các nước phía nam khu vực đồng euro. Tới năm 2009, nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã có sức cạnh tranh tăng 13% so với các nước láng giềng kể từ năm 1998, theo một đơn vị tính toán về chi phí lao động của của Ngân hàng Trung ương châu Âu.
 
Là thành viên của khối euro cũng giúp Đức tránh khỏi các ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới bởi nước này phục thuộc rất nhiều vào xuất khẩu, chiếm tới 41% GDP. Trước khi sử dụng đồng euro, đồng mark là một đồng tiền được đầu tư nhiều trong thời gian khó khăn và như vậy có biến động giá cả rất lớn, tăng vọt tới gần 50% so với đồng lira của Ý trong nửa đầu thập kỷ 90. Nếu vẫn sử dùng đồng mark, sau đợt khủng hoảng kinh tế vừa qua, đồng tiền này có thể sẽ tăng mạnh, ảnh hưởng tới xuất khẩu Đức và khiến đợt suy thoái năm 2009 càng thêm tồi tệ.
 
Nhiều nhà kinh tế tin tưởng rằng Đức nên tiếp tục dùng đồng euro, vì lợi ích của chính nước này cũng như của châu Âu. Ông Julian Callow, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Âu tại Barclays Capital tại London, phát biểu: "Nếu phá bỏ bây giờ kinh tế Đức sẽ gặp khó khăn lớn, có thể còn lớn hơn so với phần lớn các nước khác". Mark Cliffe, chuyên gia kinh tê trưởng của ING Group, tính toán rằng nếu Đức rời bỏ đồng euro, có thể sẽ xảy ra một đợi khủng hoảng niềm tin tại châu Âu khiến nhu cầu tiêu dùng sụt giảm. Ông tính toán rằng điều này sẽ khiến GDP của Đức giảm khoảng 10% trong vòng hai năm.
 
Trong khi giới kinh doanh Đức nhận thức rõ được lợi ích của việc giữ lại đồng euro, người dân Đức vẫn rất phẫn nộ với việc đất nước phải gánh phần lớn nhất trong gói cứu trợ 775 tỷ đôla cam kết cho các nền kinh tế gặp khó khăn tại khu vực euro. 51% số người được hỏi trong một cuộc điều tra ngày 30 tháng Sáu bởi báo Bild cho rằng Đức nên quay lại sử dụng đồng mark, so với một phần ba hồi tháng Ba 2008. Tuy nhiên, các nhà kinh tế học vẫn cho rằng, việc từ bỏ đồng euro sẽ không được chính phủ của bà Merkel cân nhắc tới, ít nhất là trong thời gian ngắn hạn.