Phông chữ

Theo bà Merkel, EU cần có các cuộc đối thoại cởi mở nhằm duy trì vị thế của khối trong việc đối phó với những thách thức của khu vực và thế giới.


Foto: Thủ tướng Đức Angela Merkel (thứ 2 từ trái qua) trong cuộc gặp với lãnh đạo nhóm bốn nước Trung Âu. (Ảnh: Reuters)


Ngày 26/8, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tới Ba Lan tham dự Hội nghị thượng đỉnh nhóm bốn nước Trung Âu (Visegrad) để thảo luận về tương lai của Liên minh châu Âu (EU) hậu Anh rời khỏi khối.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Warsaw, Ba Lan với sự tham dự của Thủ tướng nhóm bốn nước Trung Âu (Visegrad) bao gồm Cộng hòa Séc, Ba Lan, Hungary và Slovakia, Thủ tướng Merkel thừa nhận sự ra đi của nước Anh sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới kế hoạch hội nhập của Liên minh châu Âu (EU) hiện tại cũng như trong tương lai, đòi hỏi EU phải tìm ra câu trả lời thích hợp cho vấn đề này.

Theo bà Merkel, hơn lúc nào hết EU cần phải có các cuộc đối thoại cởi mở hơn nhằm duy trì vị thế của khối trong việc đối phó với những thách thức của khu vực và thế giới.

Thủ tướng Merkel nhấn mạnh hội nghị thượng đỉnh không chính thức của Liên minh châu Âu sắp tới tại Bratislava, Slovakia sẽ đánh dấu điểm khởi đầu cho quá trình cải cách của EU, bên cạnh giải quyết những vấn đề nóng bỏng khác của khu vực như an ninh, di cư hay trợ giúp nhân đạo.

Bà hoan nghênh sáng kiến của Slovakia khi đề nghị tổ chức hội nghị này, và cho rằng dù hội nghị có thể không đưa ra một quyết định chính thức nào, nhưng nó cũng đặt nền móng cho nhiều đàm phán quan trọng sau này liên quan đến tương lai của khối với 27 nước thành viên còn lại.

Đồng quan điểm trên, Thủ tướng Ba Lan Beata Szydlo, thúc giục EU cần phải thực hiện cải cách mạnh mẽ nhằm tăng cường vị thế của khối cũng như lấy lại niềm tin của người dân. Theo bà, EU cần phải đối mặt thực tế và rút ra bài học kinh nghiệm sau cuộc trưng cầu dân ý ở Anh để ngăn chặn bất kỳ một “hiệu ứng domino” tương tự.

Tại cuộc họp báo, thủ tướng Cộng hòa Séc Bohuslap Sobotka gợi ý Hội nghị thượng đỉnh không chính thức của EU sắp tới nên dành nhiều thời gian để thảo luận ý tưởng thành lập một lực lượng quân đội chung của EU để bảo vệ châu lục và đối phó với các thách thức hiện hữu, trong đó có chủ nghĩa khủng bố.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban ngay lập tức tán thành đề xuất này và cho rằng, đảm bảo an ninh là một trong những ưu tiên hàng đầu của EU trong bối cảnh hiện nay. Theo thủ tướng Orban, EU đã đánh mất tính thích ứng của mình với tình hình, và châu lục này cho đến nay vẫn chưa tìm ra câu trả lời thỏa đáng cho vấn đề di cư và khủng bố./.

Hữu Bình/VOV-Praha