Phông chữ

Bộ trưởng Tài chính Liên bang Đức Wolfgang Schäuble ngày 9/9 đã trình Quốc hội nước này bản Dự thảo Ngân sách năm 2015 và Kế hoạch Tài chính đến năm 2018, theo đó, ngân sách quốc gia đầu tàu châu Âu sẽ không có nợ mới lần đầu tiên kể từ năm 1969.

 

Chính phủ Đức coi kế hoạch tài chính tổng thể tới năm 2018 của nước này là một thành tựu lịch sử và nó sẽ được các nghị sĩ thảo luận cho tới cuối tuần này. Phát biểu mở đầu phiên tranh luận về vấn đề ngân sách, Bộ trưởng Schäuble khẳng định ngân sách liên bang không còn nợ mới sẽ trở lại từ năm 2015.

Đây sẽ là lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, Đức không còn nợ mới khi các khoản thu-chi của liên bang trong năm 2015 dự kiến cùng ở mức 299,5 tỷ euro, tiếp đó vào năm 2016 đạt mức 310,6 tỷ euro, lên 319,9 tỷ euro vào năm 2017 và 329,3 tỷ euro trong năm 2018.

Trong kế hoạch tài chính đến năm 2018, Chính phủ Đức muốn thực thi một số ưu tiên trong thỏa thuận liên minh cầm quyền với số tiền dự chi lên tới 23 tỷ euro.

Nổi bật trong số này là việc chính phủ liên bang muốn chuyển khoảng 6 tỷ euro của các bang và khu vực nông thôn để đầu tư cho hệ thống nhà trẻ, mẫu giáo, trường học cũng như các trường đại học; tăng 3 tỷ euro đầu tư cho lĩnh vực nghiên cứu; tăng 5 tỷ euro đầu tư cho giao thông...

Đặc biệt, trong tổng ngân sách 5,73 tỷ euro dành cho Bộ Nội vụ Liên bang vào năm 2015 thì có tới 3,59 tỷ euro dành cho các cơ quan an ninh, trong đó chi cho cảnh sát liên bang khoảng 2,4 tỷ euro, Cục Hình sự Liên bang (BKA) 416 triệu euro và Cục Bảo vệ Hiến pháp (BfV) 210 triệu euro.

Chính phủ Liên bang Đức cũng đặt mục tiêu giảm mức nợ của nước này trong vòng 10 năm tới xuống dưới 60% GDP và tới cuối năm 2017, mức nợ sẽ giảm xuống dưới 70% GDP từ mức khoảng 80% GDP hiện nay./.


TTXVN