feed-image

Hãy nhấn „Thích Trang“ để theo dõi tin tức cập nhật của Tạp chí Hương Việt trên trang Facebook của bạn!

BỎ QUA

Op2 1140X206P 1 frame

Phông chữ

Trong bối cảnh Việt Nam và Hungary có quan hệ truyền thống đã hơn 60 năm, nhưng đến năm 2012, hợp tác thương mại của hai nước mới chỉ đạt 120 triệu USD năm 2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mong muốn doanh nghiệp hai nước đẩy mạnh hợp tác, dựa trên nền tảng tình hữu nghị và tiềm năng sẵn có.

Chủ tịch nhấn mạnh hợp tác kinh tế là động lực quan trọng để củng cố và thắt chặt hơn nữa quan hệ tốt đẹp giữa hai nước trong thời gian tới. Doanh nhân của hai nước sẽ là lực lượng tiên phong đưa nhận thức đó của lãnh đạo hai nước đi vào cuộc sống.

Theo đặc phái viên TTXVN, trong khuôn khổ Diễn đàn doanh nghiệp Hungary - Việt Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp hai nước đồng tổ chức chiều 17/9 (theo giờ Hà Nội), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Phó Thủ tướng Hungary Navracsics Tibor đã tham dự diễn đàn và phát biểu trước 300 doanh nghiệp hàng đầu Hungary và Việt Nam.

Trong lời phát biểu chào mừng Diễn đàn doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Hungary Navracsics Tibor cho biết hiện 80-85% xuất khẩu của quốc gia này là vào khu vực Châu Âu, nhưng Hungary đặc biệt coi trọng việc phát triển quan hệ kinh tế thương mại với các nước bạn bè truyền thống trong đó có Việt Nam, đất nước đang có bước phát triển nhanh chóng và có vị trí vai trò quan trọng trong khu vực ASEAN.

Phó Thủ tướng Hungary khẳng định, kinh doanh phải có lãi, nhưng để phát triển bền vững ngoài những con số thì quan hệ kinh tế thương mại dựa trên nền tảng quan hệ hữu nghị sẽ góp phần giảm chi phí và tăng cường quan hệ hợp tác tin cậy vì lợi ích của mỗi nước.

Thông báo một số nét về tình hình phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định: Hiện ở Việt Nam có nhiều người từng được học tập, đào tạo tại Hungary hiện đang giữ những cương vị quan trọng ở các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, hai nước có thể chia sẻ nhiều kinh nghiệm phát triển vì đều trong quá trình chuyển đổi và hội nhập quốc tế. Đây là những cơ sở thuận lợi để doanh nghiệp Hungary và Việt Nam thúc đẩy mối quan hệ hợp tác hai bên cùng có lợi.

Tuy hai quốc gia ở hai châu lục khác nhau nhưng Việt Nam và Hungary có nhiều điểm gần gũi về lịch sử, văn hóa, có tình hữu nghị gắn kết hơn 60 năm. Cả hai đều ở trong khu vực phát triển kinh tế năng động, do đó đẩy mạnh hợp tác là hết sức quan trọng. Doanh nghiệp hai nước cần tích cực và tăng cường trao đổi thường xuyên.

Diễn đàn doanh nghiệp cũng chính là một kênh để hai bên nắm bắt và tìm hiểu cơ hội hợp tác của mỗi bên, qua đó có những kế hoạch hợp tác cụ thể. Gợi mở một số lĩnh vực mà hai bên có thể hợp tác như giáo dục đào tạo nhất là đào tạo nghề, sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, dược phẩm, năng lượng...Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp của Hungary đầu tư vào Việt Nam.

Chủ tịch cho rằng, cùng với giáo dục và đào tạo, Việt Nam hiện đang dành nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chăn nuôi, chế biến thực phẩm. Hai bên có thể hợp tác để thử nghiệm và tiến tới ứng dụng những công nghệ phù hợp của Hungary tại Việt Nam để giúp các sản phẩm của Việt Nam tăng sức cạnh tranh và đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường EU.

Chủ tịch nước khẳng định sự hợp tác giữa hai nước sẽ hình thành các mạng lưới hợp tác, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp Hungary thâm nhập vào thị trường ASEAN và Châu Á cũng như các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường Liên minh châu Âu. Ngoài ra, hai bên cũng có thể kết hợp các thế mạnh của nhau để hợp tác đầu tư, kinh doanh tại mỗi nước cũng như tại nước thứ ba. Chủ tịch nước mong muốn các doanh nghiệp có những câu hỏi cụ thể về từng lĩnh vực và có phương thức phối hợp hiệu quả nhằm đem lại kết quả thiết thực không chỉ hôm nay mà còn lâu dài hơn.

Tại diễn đàn, hai bên đã ký kết 3 văn bản hợp tác: Thỏa thuận hợp tác giữa Phòng Thương mại và công nghiệp hai nước; Thỏa thuận hợp tác giữa Trường Đại học Công nghiệp Việt-Hung với Trường Đại học Kinh tế và công nghệ Budapest và Văn bản hợp tác về xử lý và cung cấp nước sạch giữa Trung tâm nước sạch nông thôn Việt Nam và Công ty hệ thống nước Hungary.

Cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đi thăm một số mô hình trang trại giống nông nghiệp và sản xuất dược phẩm của Hungary; tiếp thân mật đại diện giới khoa học Hungary, khép lại các hoạt động thăm cấp Nhà nước tại Hungary.

Từ 18-20/9, Chủ tịch nước cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tiếp tục chương trình thăm cấp Nhà nước đến Vương quốc Đan Mạch./.

  • Hoàng Giang (TTXVN)

Tuyên bố chung về Đối tác Toàn diện VN-Đan Mạch

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 11/1971, quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác giữa Việt Nam-Đan Mạch đã phát triển mạnh mẽ, dựa trên cơ sở tin cậy lẫn nhau và xuất phát từ những kết quả quan trọng và thiết thực trong lĩnh vực hợp tác phát triển của 20 năm qua.

Nhằm ghi nhận sự phát triển nhanh chóng trong quan hệ Việt Nam-Đan Mạch kể từ khi hai nước ký Tuyên bố chung về việc thiết lập Quan hệ Đối tác chiến lược trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, môi trường, năng lượng và tăng trưởng xanh tháng 11/2011 với điểm nhấn là chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Đan Mạch tháng 11/2012.

Nhằm mở rộng khuôn khổ hợp tác trên tinh thần của Hiệp định khung về Đối tác và Hợp tác toàn diện ký giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam ngày 27/6/2012, nhân chuyến thăm Đan Mạch cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang, từ ngày 18-20/9, hai bên đã nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác toàn diện, tạo khuôn khổ chung cho việc mở rộng và củng cố quan hệ hợp tác song phương trên các lĩnh vực cùng quan tâm như sau:

1. Hợp tác Chính trị và Ngoại giao:

Hai bên sẽ tiếp tục tăng cường các cuộc tiếp xúc và đối thoại thường xuyên giữa lãnh đạo hai nước, bao gồm các chuyến thăm chính thức giữa các lãnh đạo và bộ trưởng hai nước, cũng như trao đổi đoàn và tiếp xúc bên lề tại các diễn đàn quốc tế và khu vực khi cần thiết.

Việt Nam và Đan Mạch cùng ủng hộ một hệ thống dựa trên các nguyên tắc công bằng, bình đẳng và đa phương, trong đó Liên hợp quốc đóng vai trò trung tâm trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu và khu vực, đưa ra giải pháp chính trị và hòa bình cho các tranh chấp quốc tế thông qua tham vấn, đối thoại và đàm phán phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Hai bên sẽ tăng cường đối thoại và hợp tác trong các lĩnh vực cùng quan tâm tại các diễn đàn đa phương và khu vực, đặc biệt là tại Liên hợp quốc, WTO, EU-ASEAN và ASEM.

Đan Mạch cam kết ủng hộ các nỗ lực trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Với tư cách là nước điều phối quan hệ ASEAN-EU từ 2012-2015, Việt Nam tái khẳng định cam kết thúc đẩy quan hệ ASEAN-EU nói chung và ASEAN-Đan Mạch nói riêng.

Nhằm tăng cường chia sẻ quan điểm tại các diễn đàn đa phương liên quan và các diễn đàn khác, hai bên sẽ tăng cường trao đổi về các vấn đề như luật pháp quốc tế, bảo vệ quyền con người, biến đổi khí hậu, tình hình khu vực và toàn cầu, phát triển bền vững, không phổ biến vũ khí hạt nhân, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh an toàn hàng hải và các vấn đề phù hợp khác. Hai bên khẳng định sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm về các vấn đề liên quan đến Liên hợp quốc và các hoạt động gìn giữ hòa bình của tổ chức này khi cần thiết.

Hai bên bày tỏ hài lòng về mối quan hệ hợp tác nghị viện giữa hai nước và hoan nghênh việc tiếp tục triển khai các sáng kiến và hợp tác, bao gồm giữa các cơ quan tư pháp và luật pháp liên quan, nhằm tăng cường quản trị tốt trong các lĩnh vực như cải cách hành chính công, cải cách tư pháp, giáo dục và nghiên cứu về quyền con người, các sáng kiến chống tham nhũng, nâng cao năng lực của Quốc hội và các cơ quan phi chính phủ.

Hai bên cam kết tiến hành cơ chế tham vấn chính trị hàng năm ở cấp Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Các phiên tham vấn này sẽ được tổ chức luân phiên tại Việt Nam và Đan Mạch và sẽ kiểm điểm quá trình triển khai thực hiện Tuyên bố chung này.

Hai bên tiếp tục nghiên cứu khả năng tăng cường các hình thức hợp tác chính trị giữa các thể chế liên quan của Việt Nam và Đan Mạch.

2. Hợp tác Thương mại và đầu tư:

Hai bên tái khẳng định quyết tâm thúc đẩy quan hệ thương mại song phương và hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm tăng kim ngạch thương mại và dòng vốn đầu tư vào Việt Nam và Đan Mạch. Hai bên ghi nhận việc Đan Mạch đã thông qua Chiến lược Tăng trưởng thị trường đối với Việt Nam vào năm 2012 nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại giữa hai nước.

Hai bên tái khẳng định cam kết tăng cường quan hệ thương mại trong lĩnh vực tăng trưởng xanh, như sử dụng năng lượng hiệu quả, năng lượng tái tạo, quản lý nước và chất thải, nông nghiệp, thủy sản và công nghiệp thực phẩm, y tế và giáo dục. Hai bên ủng hộ việc xây dựng quan hệ đối tác giữa các công ty, viện nghiên cứu hai nước nhằm thúc đẩy chuyển giao công nghệ, phát triển và ứng dụng công nghệ xanh trong lĩnh vực thương mại. Hai bên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập và hoạt động của các doanh nghiệp Đan Mạch và Việt Nam tại thị trường hai nước, cũng như thúc đẩy Chương trình Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR).

Hai bên tiếp tục nghiên cứu khả năng tăng cường quan hệ thương mại trong lĩnh vực phát triển ngành công nghiệp đóng tàu, dịch vụ vận tải biển và kết nối giao thông biển của Việt Nam.

Hai bên sẽ phát huy hiệu quả cơ chế Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và chuyển giao công nghệ giữa Việt Nam và Đan Mạch, bao gồm các tiểu ban về tăng trưởng xanh, nhằm tăng cường thương mại và đầu tư giữa hai nước.

Hai bên hoan nghênh việc khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa EU và Việt Nam vào tháng 6/2012 trong nhiệm kỳ Chủ tịch EU của Đan Mạch và ủng hộ việc sớm hoàn tất một hiệp định FTA cân bằng và cùng có lợi. Trong khuôn khổ PCA và tuân thủ các thủ tục liên quan, hai bên sẽ tăng cường hợp tác hướng tới việc công nhận Quy chế Kinh tế thị trường đối với Việt Nam trong thời gian sớm nhất có thể.

3. Khí hậu, Năng lượng, Môi trường và Tăng trưởng Xanh:

Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ký Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, môi trường, năng lượng và tăng trưởng xanh tháng 11/2011 và cam kết tiến hành các bước cần thiết nhằm triển khai hiệu quả Tuyên bố chung trên, phù hợp với kế hoạch hành động.

Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ký thỏa thuận hợp tác ba bên về tăng trưởng xanh giữa Việt Nam, Hàn Quốc và Đan Mạch năm 2012 nhằm hỗ trợ Việt Nam thực hiện Chiến lược Tăng trưởng xanh. Ngoài ra, hai bên sẽ xúc tiến nghiên cứu khả năng thành lập “Trung tâm đổi mới công nghệ xanh.”

Trong điều kiện cho phép, hai bên sẽ hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thiết lập Quan hệ Đối tác công-tư về tăng trưởng xanh, trong đó có sự tham gia của các công ty, cơ quan Đan Mạch và Việt Nam, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như sử dụng năng lượng hiệu quả, năng lượng tái tạo, công nghệ xanh và xử lý chất thải và nước. Diễn đàn Tăng trưởng xanh toàn cầu (3GF), có vai trò thúc đẩy tăng trưởng xanh trên toàn thế giới thông qua mô hình Đối tác công-tư, sẽ được cân nhắc khi triển khai hoạt động này.

Hai bên nhất trí tăng cường đối thoại chính sách, thúc đẩy các hoạt động và sáng kiến cụ thể về khí hậu, an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường, quản lý nguồn nước và tăng trưởng xanh tại các diễn đàn song phương và đa phương liên quan, bao gồm 3GF và ASEM. Theo đó, Danh mục Hàng hóa thân thiện với môi trường của APEC có thể là một ví dụ tốt về hợp tác đa phương nhằm củng cố tăng trưởng xanh toàn cầu.

4. Giáo dục và Nghiên cứu:

Hai bên sẽ hỗ trợ các hoạt động hợp tác giữa các cơ sở giáo dục-nghiên cứu của Việt Nam và Đan Mạch thông qua việc cung cấp thông tin, kết nối, đảm bảo xử lý nhanh những thủ tục phê chuẩn cần thiết, và hỗ trợ các cơ sở giáo dục-đào tạo, các quan hệ đối tác mới được hình thành từ hình thức hợp tác này.

Hai bên sẽ tiếp tục tích cực hợp tác về giáo dục và nghiên cứu ở các cấp độ song phương và đa phương, đặc biệt là thông qua ASEM.

Hai bên sẽ đặc biệt ưu tiên hợp tác giáo dục và phát triển nguồn nhân lực cùng có lợi như hợp tác giáo dục đại học, đào tạo nghề, cơ khí chế tạo, học tập suốt đời và giáo dục vì phát triển bền vững.

Hai bên sẽ nghiên cứu khả năng xây dựng cơ chế hợp tác song phương về nghiên cứu và phát triển công nghệ.

5. Hợp tác Văn hóa và Giao lưu nhân dân:

Hai bên sẽ đẩy mạnh hơn nữa giao lưu và hợp tác văn hóa nghệ thuật, khuyến khích hình thức hợp tác trực tiếp giữa các cơ sở văn hóa Đan Mạch và Việt Nam trên cơ sở các mối quan tâm về nghề nghiệp, có đi có lại và lâu dài.

Hai bên ghi nhận mối quan hệ giao lưu giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Đan Mạch ngày càng phát triển thông qua hoạt động của các doanh nghiệp, cơ quan phi chính phủ và các đối tác xã hội hai nước, đồng thời cam kết đẩy mạnh những mối liên kết này thông qua việc tăng cường hợp tác hơn nữa trong các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.

6. Điều khoản cuối cùng:

Hai bên chỉ định Bộ Ngoại giao mỗi nước làm đầu mối triển khai Tuyên bố chung này.

Nhằm đảm bảo triển khai hiệu quả Tuyên bố chung này, Bộ Ngoại giao hai nước sẽ xây dựng Kế hoạch Hành động chung với thời hạn hai năm một lần.

Tuyên bố chung này có thể được sửa đổi trên cơ sở hai bên đồng ý bằng văn bản và có hiệu lực kể từ ngày ký kết cho đến khi một trong hai bên tuyên bố hủy bỏ bằng văn bản chính thức trước 6 tháng.

Ký tại Copenhagen ngày 19/9/2013 thành hai bản, mỗi bản bằng tiếng Anh và tiếng Việt, cả hai văn bản có giá trị như nhau./.
  • (TTXVN)

Lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Đan Mạch

Theo Đặc phái viên TTXVN, ngày 19/9, tại Cung điện Christianborg ở thủ đô Copenhagen, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã hội đàm Thủ tướng Đan Mạch Helle Thorning-Schmidt và hội kiến Chủ tịch Quốc hội Morgens Lykketoft.

Trong không khí tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, tại cuộc hội đàm với Thủ tướng Đan Mạch Helle Thorning-Schmidt, hai bên đã cùng thông báo về tình hình phát triển của mỗi nước, trao đổi các phương hướng và biện pháp tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia trong thời gian tới. Hai bên nhất trí đánh giá quan hệ hợp tác song phương Việt Nam-Đan Mạch đang có những bước phát triển mạnh mẽ, tạo tiền đề quan trọng cho việc mở rộng khuôn khổ Quan hệ Đối tác chiến lược trong các lĩnh vực hiện nay như biến đổi khí hậu, năng lượng, môi trường và tăng trưởng xanh.

Hai bên đồng thời nhất trí tiến tới thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Đan Mạch, tạo cơ sở thúc đẩy hợp tác song phương phát triển sâu rộng trong thời gian tới trên các lĩnh vực ưu tiên như chính trị-ngoại giao, thương mại-đầu tư, khí hậu-năng lượng-môi trường-tăng trưởng xanh, giáo dục-nghiên cứu, văn hóa-giao lưu nhân dân.

Ngoài ra, hai bên bày tỏ hài lòng về những tiến triển tích cực trong quan hệ kinh tế-thương mại-đầu tư trong thời gian qua và nhất trí phối hợp chặt chẽ nhằm đưa quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực này tương xứng với tiềm năng to lớn của hai nước.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định Việt Nam luôn khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Đan Mạch kinh doanh và đầu tư hiệu quả tại Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực hai bên có chung lợi ích và ưu tiên như phát triển năng lượng điện gió, vận tải biển, thực phẩm… Về phần mình, Thủ tướng Đan Mạch tái khẳng định quyết tâm triển khai thành công Chiến lược Tăng trưởng thị trường mà Việt Nam là một trong 10 nền kinh tế tiềm năng trên thế giới được Đan Mạch lựa chọn, phấn đấu sớm nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 1 tỷ USD trong thời gian tới.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cảm ơn và đề nghị Chính phủ Đan Mạch tiếp tục hỗ trợ Việt Nam triển khai hiệu quả các chương trình, dự án hợp tác phát triển trong các lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam như ứng phó với biến đổi khí hậu, cải cách hành chính, vệ sinh môi trường, đào tạo nghề..., góp phần thực hiện thành công công cuộc phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Chủ tịch nước cảm ơn Chính phủ Đan Mạch đã tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt tại Đan Mạch và tiếp tục duy trì sự hỗ trợ quý báu đó.

Hai bên cũng đã trao đổi ý kiến sâu rộng về các vấn đề quốc tế và khu vực quan trọng cùng quan tâm. Thủ tướng Helle Thorning-Schmidt nhấn mạnh Đan Mạch tiếp tục coi trọng khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong tổng thể chính sách đối ngoại của mình, trong đó có vai trò trung tâm của ASEAN trong một cấu trúc khu vực đang hình thành, cũng như các cơ chế hợp tác tiểu khu vực, khẳng định ủng hộ việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị Đan Mạch tiếp tục ủng hộ Việt Nam tăng cường quan hệ toàn diện với Liên minh châu Âu (EU); thúc đẩy EU sớm phê chuẩn Hiệp định Đối tác và hợp tác (PCA); hỗ trợ Việt Nam trong quá trình đàm phán về Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và EU. Trên cương vị Điều phối viên quan hệ ASEAN-EU, Việt Nam sẽ thúc đẩy quan hệ ASEAN-EU nói chung và ASEAN với Đan Mạch nói riêng.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Đan Mạch Helle Thorning-Schmidt đã có cuộc gặp gỡ báo chí, chứng kiến lễ ký Tuyên bố chung về Đối tác toàn diện Việt Nam-Đan Mạch, Hiệp định khung giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Đan Mạch về các thủ tục và các điều khoản chung, các thể chế cấp vốn cho các dự án sử dụng công cụ tài chính Doanh nghiệp Danida dành cho Việt Nam; Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực phát triển điện gió giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Ngoại giao Vương quốc Đan Mạch; Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực giảm thất thu và thất thoát nước giữa Bộ Xây dựng Việt Nam và Bộ Ngoại giao Vương quốc Đan Mạch; Bản ghi nhớ về hợp tác giáo dục giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Khoa học, Sáng tạo và Giáo dục đại học Vương quốc Đan Mạch; Bản ghi nhớ về hợp tác song phương trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản bền vững giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Tài nguyên Môi trường Việt Nam với Bộ Môi trường Vương quốc Đan Mạch.

Hội kiến với Chủ tịch Quốc hội Đan Mạch Morgens Lykketoft, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã hoan nghênh sự hợp tác chặt chẽ giữa Quốc hội hai nước thông qua các hình thức đa dạng như trao đổi đoàn ở cấp cao và giữa các ủy ban chuyên trách. Chủ tịch cho rằng đây là những dịp tốt để các cơ quan lập pháp hai nước tăng cường sự hiểu biết và chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực lập pháp, giám sát, tăng cường quan hệ giữa Quốc hội và cử tri.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ mong muốn Quốc hội Đan Mạch tiếp tục ủng hộ cung cấp ODA cho Việt Nam trong thời gian tới, tập trung vào các lĩnh vực Đan Mạch có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như năng lượng sạch và tái tạo, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm…

Lãnh đạo hai bên cho rằng, việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện trong khuôn khổ chuyến thăm Đan Mạch này của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu, mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới. Chủ tịch Quốc hội Đan Mạch đã đánh giá cao việc sử dụng hiệu quả ODA của Việt Nam./.
  • (TTXVN)


Thêm bình luận

TIN TỨC - SỰ KIỆN MỚI CẬP NHẬT

QUẢNG CÁO
tapchihuongviet.eu 2020 02 07 um 17.29.59
tapchihuongviet.eu 2019 07 19 um 15.05.46
banner fam right

Hội chợ 'Việt Nam tại Đức' thu hút khách tham quan

Trong khuôn khổ Hội chợ Xuân AFA 2020, Tạp chí Hương Việt tổ chức sự kiện đặc biệt với chủ đề "Việt Nam tại Đức" nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2020).

tapchihuongviet_treviet_vdKỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt

Kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt, đồng thời hướng tới 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức. Tạp chí Hương Việt cùng các Hội đoàn người Việt phía Tây-Nam nước Đức đã tổ chức chương trình Lễ hội văn hoá Việt Nam - Hương Việt 2019.