Phông chữ
Ngày lễ Tổ, trên bậc đá đền Hùng, có triệu bàn chân trở về thành kính. Nhiều bàn chân trong số đó "dù ăn đâu, làm đâu; cũng biết cúi đầu nhớ ngày Giỗ Tổ", đã vượt nửa vòng trái đất về với cội nguồn. Họ như những cái cây, sinh trưởng ở vùng đất lạ, nhưng cội rễ vẫn bám trụ quê hương.

Bác sĩ Tôn Thất Hứa, 68 tuổi (Việt kiều Đức): "Người Việt Nam chỉ có một dòng máu Lạc Hồng"

Mái tóc bạc, cặp kính trắng, dáng quắc thước, bác sỹ Tôn Thất Hứa đứng lặng hướng về điện Kính Thiên. Cội nguồn dân tộc là đây! Đã 68 tuổi, gần 40 năm định cư tại Đức, đây là lần đầu tiên ông được dự Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng, tuy năm nào cũng về Việt Nam 2 lần để làm các hoạt động từ thiện. Tham dự Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay là một dịp tình cờ, bởi ông đang ở Việt Nam để mổ miễn phí cho trẻ em bị hở hàm ếch.

Sau khi đã mổ thành công 63 trường hợp, ông viết thư cảm ơn Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Đức và được Tổng Lãnh sự can thiệp để ông dự Giỗ Tổ vào dịp thiêng liêng hiếm có này.

Hơn nửa đời tha hương, với nhiều biến thiên của đời sống, nhưng giọng Huế của ông vẫn không một chút pha tạp: "Máu con người gồm 4 nhóm: A, B, AB, O; nhưng máu của người Việt Nam thì chỉ có một loại, đó là dòng máu Lạc Hồng!".

Là lớp sinh viên đầu tiên tốt nghiệp ĐH Y khoa Huế vào năm 1967, trải qua một kỳ thi quốc gia, ông trở thành giảng viên tại đây vào năm 1969. Sau đó 3 năm, ông được chọn sang Pháp học, rồi sang Đức trong một chương trình trao đổi sinh viên giữa 2 bên. Kể từ đó, ông liên tục vừa làm vừa nghiên cứu, tốt nghiệp chuyên ngành tổng quát giải phẫu phổi, từ 1976-1981 học thêm chuyên khoa về gây mê và hậu phẫu, 1997 tốt nghiệp về cấp cứu y học và thảm họa y học…

"Để được thừa nhận ở nước ngoài, nhất là ở Đức, một người Việt Nam phải nỗ lực hơn nhiều lần người bản xứ. Để có một vị trí ngang với họ, mình nhất định phải giỏi hơn". Đó là động lực để ông luôn cố gắng, vươn tới vị trí Phó khoa gây mê và hậu phẫu, Bệnh viện Würzburg, là một trong những người được giữ lại để làm việc thêm 3 năm dù đã đến tuổi về hưu.

Lúc nào cũng đau đáu nhớ về quê nhà, từ năm 1991 ông đã tiên tục làm đơn xin về Việt Nam và được trở về lần đầu vào năm 1993 để dạy học tại ĐH Y Dược Huế. Lúc đó, rất nhiều trẻ em Việt Nam bị sứt môi và hở hàm ếch, ông đã trở về Đức làm việc với bạn bè đồng nghiệp chuyên ngành Răng - hàm - mặt, tai - mũi - họng, nhi khoa và gây mê hồi sức… kêu gọi mổ miễn phí cho trẻ em Việt Nam; và cùng nhau thành lập một trong những tổ chức từ thiện đầu tiên đến Việt Nam mổ miễn phí.

Kể từ đó đến nay, năm nào các giáo sư, bác sỹ ở Đức cũng trở về Việt Nam để mổ từ thiện cho những người bị dị tật vùng mặt, với trên 3.400 trẻ em được trả lại nụ cười, trong đó có 1.147 trường hợp ở Huế và khu vực lân cận. Để có được một chuyến đi như thế, ông phải chuẩn bị suốt 3 tháng trời: lo đóng gói thuốc, thiết bị, xin visa, xin thêm cân để mang thiết bị, tổ chức đoàn… Mặc dù rất muốn ăn Tết Việt Nam, nhưng chưa bao giờ ông về nước vào dịp Tết, đơn giản bởi vào dịp đó không có trẻ em nào đến để chữa bệnh. Tận dụng từng ngày để mang lại nụ cười cho trẻ em, ông không thể dùng thời gian cho riêng mình.

Không chỉ tham gia mổ từ thiện và dạy học, bác sỹ Tôn Thất Hứa còn tham gia Hiệp hội phát triển y tế Việt Nam cùng với khoảng 1.700 giáo sư, bác sỹ khác; trong đó có 20 người thường xuyên về Việt Nam làm việc. Với những đóng góp của mình, ông đã được nhận Kỷ niệm chương của Bộ Y tế, Bằng khen của Bộ Ngoại giao. Thủ tướng Đức, thông qua Thống đốc bang nơi ông đang sinh sống cũng tỏ ý khen ngợi những việc làm của ông giúp quan hệ Đức - Việt tốt đẹp hơn. "Sinh ra, lớn lên, học hành ở Việt Nam; trong tâm tư, quê hương vẫn luôn là nơi tôi muốn trở về để làm việc và sinh sống phần cuối đời. Văn hóa Việt chảy từ trong máu. Việt Nam luôn ở trong trái tim tôi".