Phông chữ

Chỉ trong quý I/2012, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu gần 1 tỷ USD hàng hoá sang thị trường CHLB Đức, tăng hơn 38% so với cùng kỳ năm trước.

Theo nhiều doanh nghiệp tại CHLB Đức, tỷ trọng thương mại sẽ tiếp tục tăng, bởi lẽ rất nhiều mặt hàng hiện đã có chỗ đứng trong thị trường 2 quốc gia, vì thế việc hình thành các chi nhánh ngân hàng Việt Nam tại Đức nhằm hỗ trợ tài chính càng trở nên cấp thiết đối với các doanh nghiệp.  

Ông Nguyễn Văn Hiền, Chủ tịch hội doanh nhân Việt Nam tại CHLB Đức cho rằng: “Việc mở ngân hàng tại Đức là niềm vui và chỗ dựa cho bà con Việt kiều Đức, đây cũng là mong mỏi từ lâu của chúng tôi”.       
Hiện CHLB Đức là nơi sinh sống và làm ăn của hơn 150 ngàn người Việt Nam. Đức không chỉ là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, mà còn là cửa ngõ thương mại giữa Việt Nam với các nước châu Âu. Dự kiến, năm 2012 kim ngạch thương mại giữa hai quốc gia sẽ đạt gần 6 tỷ USD.    
 
Bà Christine Heinze, đại diện ngân hàng Bayern LB, CHLB Đức phát biểu: “Việc mở thêm chi nhánh tại Berlin của Ngân hàng công thương Việt Nam không những tạo điều kiện về tài chính cho các doanh nghiệp, mà còn thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết giữa hai nước”.
Theo bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng bộ Công thương: “Việc có ngân hàng Việt Nam ở quốc gia có nhiều người Việt và kim ngạch xuất nhập khẩu cao sẽ giúp rất nhiều trong việc phát triển thương mại và thu xếp nguồn vốn cho bà con Việt kiều”.      
Hiện tại ngân hàng TMCP công thương Việt Nam đã mở 2 chi nhánh tại CHLB Đức. Theo đại diện của ngân hàng này, sẽ tiếp tục mở thêm nhiều chi nhánh khác ở châu Âu, châu Á nhằm tạo điều kiện thúc đẩy quan hệ giao thương giữa Việt Nam và quốc tế.  
“Chậm nhất trong năm nay, chúng tôi sẽ mở thêm hàng loạt các chi nhánh ở Ba Lan, Anh, Pháp và một số khu vực châu Á”, ông Phạm Huy Hùng, Chủ tịch HĐQT ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam cho biết.  
Tuy nhiên theo các nhà phân tích, việc mở rộng chi nhánh ra nước ngoài, các ngân hàng cũng cần phải tính toán đến sự cạnh tranh trong môi trường quốc tế, đòi hỏi các ngân hàng phải chuẩn bị tốt các phương án cho hoạt động, đảm bảo hoạt động ổn định, lành mạnh và có hiệu quả. Mặt khác, nhà nước cũng cần có chính sách vừa ủng hộ, vừa thắt chặt đối với các ngân hàng do nhà nước nắm cổ phần khống chế, tránh trường hợp trong nước còn thiếu vốn mà lại đầu tư lớn ra nước ngoài, hay tình trạng thất thoát vốn do chuyển tiền hoặc rửa tiền.   

  • Tác giả : Đặng Tú, VTV